'Em chưa 18': Phim học đường Việt đậm chất phương Tây

19/04/2017 17:10 GMT+7

Bộ phim mới nhất của đạo diễn Lê Thanh Sơn cho thấy một tư duy hiện đại, hợp thời trong điện ảnh Việt, đồng thời cũng chất chứa rất nhiều chi tiết xúc động, tinh tế về tình yêu, tình cảm gia đình.

Ngay từ khi khởi động dự án, bộ phim Em chưa 18 đánh dấu sự tái hợp của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Lê Thanh Sơn (người thực hiện Bẫy rồng) đã tạo được sự tò mò. Đề tài phim học đường vốn không hề hiếm tại Việt Nam, nhưng Em chưa 18 là bộ phim hiếm hoi kết hợp đề tài này với những xung đột và mâu thuẫn về vấn đề tình yêu, tình dục của người trẻ. Với câu chuyện xoay quanh nhân vật Linh Đan, một cô bé chưa đầy 18 tuổi đã dám “gạ trai lên giường” rồi quay lại cảnh ấy để uy hiếp tinh thần, buộc “đối tượng” phải làm bạn trai của mình, bộ phim đã mở ra một cơn gió lạ trong làng phim Việt vốn đang thiếu những đề tài trực diện, sống động tương tự.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn dàn diễn viên theo phong cách “khác lạ” của Charlie Nguyễn và đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng gây ra nhiều tò mò. Kaity Nguyễn, một gương mặt mới toanh được giao cho vai chính Linh Đan nặng ký. Kiều Minh Tuấn, anh chàng chuyên trị những vai phụ, vai hài lại được “biến hóa” thành nam chính “soái ca”, đậm chất playboy. Và Châu Bùi, một gương mặt cũng còn khá mới với điện ảnh, cũng có một vai trong phim đóng cặp cùng Will 365. Dàn diễn viên này đã góp phần tạo ra hiệu ứng và sự quan tâm đặc biệt của khán giả từ suốt mấy tháng nay.
Từ trước đến nay, những bộ phim có sự tham gia của Charlie Nguyễn, dù là ở vị trí sản xuất hay đạo diễn, hầu như đều có tinh thần và không khí rất phóng khoáng, rất hiện đại, rất “Tây”. Em chưa 18 cũng không phải là một tác phẩm ngoại lệ. Từ việc xây dựng hình tượng nhân vật, cách kể chuyện cho đến việc chọn bối cảnh, thiết kế… đều rất lạ lẫm và thú vị, khác biệt so với cách mà người Việt Nam thường thấy trước đây.
Không khí học đường trong phim, nơi sinh hoạt chính của nhân vật Linh Đan, được đặt trong bối cảnh của một trường quốc tế, càng làm cho ý đồ “phương Tây hóa” tác phẩm của nhà sản xuất và đạo diễn được tô thêm đậm nét. Các khái niệm như Prom Night (Dạ tiệc cuối cấp), Cheerleader (Cổ vũ viên), King & Queen (Vua và nữ hoàng của đêm tiệc)… liên tục được nhắc đi nhắc lại trong phim, giúp người xem tiệm cận được với nhiều nét văn hóa thú vị của phương Tây, và cũng từ đó giúp khán giả trở nên thoải mái hơn với câu chuyện trong phim, đặc biệt là khi chạm đến đề tài tình dục, nhất là tình dục của thanh niên dưới 18 tuổi.
Em chưa 18: “Món ngon” của dòng phim học đường dành cho giới trẻ 1
Bối cảnh trường học và tạo hình của các học sinh trong phim rất đậm chất Tây Ảnh: CGV
Cách chọn bối cảnh ngôi nhà của nhân vật Hoàng (Kiều Minh Tuấn), nơi mà nhân vật Linh Đan đã đưa bạn bè của mình về mở tiệc “quẩy” tưng bừng, cũng cho thấy được tư duy hiện đại của các nhà làm phim. Đó là một ngôi nhà được thiết kế đẹp với tinh thần rất tự do, đẹp mắt, được trau chuốt rất bắt mắt theo kiểu nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là sang trọng theo phong cách cổ điển truyền thống của Việt Nam.
Nhìn chung, xét về khía cạnh nghệ thuật, bộ phim này đã thành công khi định vị được phong cách và đối tượng khán giả của riêng nó. Bởi là một bộ phim hướng về giới trẻ, dành cho những bạn còn teen, đang trong giai đoạn trưởng thành, nên việc sử dụng phong cách “Tây hóa” như đã nói cũng là điều dễ hiểu.
Bỏ qua phần hình ảnh, xét về yếu tố kịch bản và câu chuyện, thực ra so với thế giới, Em chưa 18 không phải là một tác phẩm quá mới mẻ. Mô tuýp tình một đêm của người trẻ dẫn đến nhiều rắc rối trong cuộc sống là một mô tuýp khá cổ điển, được khai thác quá nhiều ở Hollywood. Tuy vậy, nhờ cách sắp xếp câu chuyện hợp lý, dựng phim ổn và điều khiển nhịp điệu chắc tay, đạo diễn của Em chưa 18 đã giúp nó mang tính giải trí và có nhiều yếu tố bất ngờ vừa phải đủ để giữ chân người xem. Em chưa 18 là bộ phim thuộc thể loại rom-com, chính vì thế mà đạo diễn Lê Thanh Sơn đã rất nỗ lực trong việc đặt để trong đó nhiều mảng miếng hài và anh đã thành công phần nào khi khiến khán giả phải cười thật to trong một vài trường đoạn thú vị. Những câu bông đùa vui vẻ giữa Linh Đan và Hoàng, những tình huống hài hước giữa Hoàng và bố của Linh Đan, hay những nhân vật phụ đáng yêu… tất cả đều dự phần rất hiệu quả trong việc tạo ra tiếng cười cho khán giả.
Em chưa 18: “Món ngon” của dòng phim học đường dành cho giới trẻ 2
Phim mang nhiều yếu tố hài hước khiến khán giả phải bật cười liên tục Ảnh: CGV
Tuy nhiên, Em chưa 18 cũng không chỉ có tiếng cười, mà còn chất chứa nhiều khoảnh khắc rất xúc động. Mối quan hệ bố con trong gia đình Linh Đan được xây dựng rất thú vị, nhẹ nhàng nhưng cũng tràn đầy tình cảm. Việc lựa chọn nghệ sĩ Quang Minh vào vai bố Linh Đan cũng là một lựa chọn rất ổn. Anh đóng vai một ông bố tâm lý rất “chuẩn”, đó là một người bố biết lắng nghe và luôn muốn làm bạn của con. Ngoài ra, tuyến bố - con của nhân vật Hoàng dù không xuất hiện nhiều nhưng cũng là một trong những điểm nhấn rất thú vị. Chỉ bằng vài câu nói trao đổi giữa Hoàng và bố (NSƯT Chánh Tín), khán giả vẫn đủ để cảm nhận sự ấm áp của tình cảm gia đình. Và cuối cùng, cao trào cuối phim xoay quanh câu chuyện tình cảm của cô nàng rắc rối Linh Đan chính là điểm nhấn mang tính bước ngoặc, việc xử lý tinh tế của đạo diễn Lê Thanh Sơn cùng phần nhạc hiệu quả do Christopher Wong đảm trách.
Dù vậy, phim mắc phải một vài lỗi trong khâu khai thác tâm lý nhân vật cũng như kịch bản chưa được mới mẻ, hơi dễ đoán. Điều đáng tiếc nhất là cái tứ của tên phim Em chưa 18 cũng như chủ đề về tình dục của tuổi thiếu niên chưa được khai thác triệt để, phần vì có lẽ do đạo diễn còn hơi “nhát tay”, phần vì câu chuyện có vẻ hơi tham lam khi khai thác quá nhiều khía cạnh và chi tiết nên vô tình “bỏ quên” yếu tố rất hút khách này. So với bộ phim gần nhất trước đó của hãng phim Chánh Phương là Fan cuồng, Em chưa 18 được kỳ vọng thành công hơn nhiều về mặt doanh thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.