Đạo diễn Phan Đăng Di: ‘Oscar không quá tầm với Việt Nam’

26/02/2017 10:47 GMT+7

'Điện ảnh Việt Nam có những nhân tố có thể đến được với Oscar, có những câu chuyện, những chất liệu có thể tạo được dấu ấn và được ghi nhận', đạo diễn Bi, đừng sợ chia sẻ.

Có mẫu số chung cho những phim đoạt giải Oscar

* Xin chào đạo diễn Phan Đăng Di, xin anh kể qua một chút về năm 2016 của mình?



Phim nào càng mang khả năng chinh phục nhiều người, càng làm nhiều người hiểu và thích, thì cơ hội được giải càng cao. Oscar có thể nói là một giải thưởng dựa vào số đông


Đạo diễn Phan Đăng Di


- Năm 2016 là năm tôi chuẩn bị ra phim mới mà tôi đã chuẩn bị suốt 3 năm. Phim sẽ được quay vào mùa hè năm nay. Năm 2016 cũng là năm chúng tôi tiếp tục làm chương trình Gặp gỡ mùa thu, chương trình đã nhận được nhiều kết quả khả quan cho các nhà làm phim trẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ có nhiều tin vui cho những người yêu điện ảnh, khi những kết quả đầu tiên của Gặp gỡ mùa thu được công bố.

* Tôi được biết anh là người khá bận rộn. Sáng thứ hai tuần sau, ngày 27.2, sẽ diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 89. Không biết một đạo diễn thì sẽ thể hiện sự quan tâm của mình đối với Oscar như thế nào?

- Oscar là giải thưởng có tầm ảnh hưởng lớn và được truyền thông rộng rãi. Đó là nơi nhiều đạo diễn có thể thành danh. Về mặt sự nghiệp, tôi nghĩ Oscar là một giải thưởng rất danh giá, nên đến để thử sức, để tìm kiếm cơ hội và khẳng định mình. Tuy nhiên, tôi chỉ quan tâm đến Oscar như một người đứng ngoài, vì tôi tự thấy đó là giải thưởng không gần với cách làm phim của tôi.

* Theo anh, có mẫu số chung nào cho những phim từng đoạt giải Oscar không? Hay nói cách khác, phim thế nào thì thường nhận được Oscar?

- Có một mẫu số chung rất rõ. Chúng ta cần hiểu Oscar không phải là một liên hoan phim, với từ 5 đến 10 giám khảo. Oscar là một giải thưởng điện ảnh nơi tất cả các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ bình chọn cho tác phẩm mà họ thích. Phim nào càng mang khả năng chinh phục nhiều người, càng làm nhiều người hiểu và thích, thì cơ hội được giải càng cao. Oscar có thể nói là một giải thưởng dựa vào số đông.

Những phim đoạt giải Oscar thường dựa trên một kịch bản chặt chẽ, có cấu trúc, câu chuyện rõ ràng, dễ hiểu, đủ đơn giản nhưng đủ xúc động. Trong đó, nhân vật chính thường yếu thế, có sức vươn lên và có niềm tin vào giá trị căn bản.

Phan Đăng Di: “Điện ảnh Việt Nam có những nhân tố có thể đến được với Oscar" - Thực hiện: Cẩm Tú - Phan Giang

* Tính đến nay, số lượng phim châu Á nhận được giải Oscar dành cho phim nước ngoài có thể nói là chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Anh lý giải như thế nào về việc châu Á ít có cơ hội với Oscar?

- Hiện nay, chỉ một số quốc gia có duyên với giải thưởng Oscar, như Nhật Bản, Iran. Theo tôi, yếu tố địa lý và văn hóa là lí do. Oscar là một giải thưởng mang màu sắc phương Tây, có lợi thế cho những nước nói tiếng Anh. Hơn nữa, những người có quyền bỏ phiếu trong Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ cho giải Oscar cũng không nhiều người châu Á. Đó là một trong những lí do khiến những phim châu Á không ghi được dấu ấn tại Oscar như những phim châu Âu, phim Mỹ, Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ.

Điện ảnh Việt Nam đang ở nấc thang thấp so với thế giới

* Năm nay, Việt Nam không gửi phim tranh giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhưng kể cả trong những lần gửi phim tranh giải trước đây thì gần như tất cả các phim đều không được đề cử. Anh có nghĩ rằng Oscar là một giải thưởng quá tầm với Việt Nam không?

- Tôi không nghĩ Oscar quá tầm với Việt Nam. Trong lịch sử Oscar, chúng ta từng có phim Mùa đu đủ xanh được đề cử, và đó gần như là thành tích cao nhất của chúng ta ở Oscar. Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận phim Mùa đu đủ xanh tuy là câu chuyện về Việt Nam, với những diễn viên Việt Nam, nói tiếng Việt, nhưng lại được sản xuất bởi Pháp chứ không phải Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cho thấy điện ảnh Việt Nam có những nhân tố có thể đến được với Oscar, có những câu chuyện, những chất liệu có thể tạo được dấu ấn và được ghi nhận.  

Oscar có thể ngoài tầm với khi chúng ta không khuyến khích những tài năng đi đúng đường để đến được Oscar. Tuy nhiên, chúng ta cần có niềm tin là một ngày nào đó, những câu chuyện, chất liệu và tài năng Việt Nam có thể thành công ở Oscar.

"Tôi không nghĩ Oscar quá tầm với Việt Nam" Ảnh: Phan Giang

Oscar là một giải thưởng tôi không nghĩ đến nhiều, vì tôi theo đuổi những dòng phim kiểu khác. Tôi nghĩ nhiều hơn đến những giải thưởng điện ảnh của châu Âu, nơi có sự phá cách, sáng tạo

Đạo diễn Phan Đăng Di


* Vậy theo anh, điện ảnh Việt Nam còn hạn chế nào mà chưa gặp may mắn và chưa được vinh danh tại Oscar?

- Oscar là nơi tập trung tất cả những tinh hoa, những xu hướng điện ảnh, những nhà làm phim lớn nhất. Với sự cạnh tranh này, nền điện ảnh phải mạnh, có sự thu hút và những tài năng lớn. Đó là cái chúng ta đang thiếu.

Một mặt, chúng ta phải nhìn vào đó để nỗ lực. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận nó một cách bình thản. Một nền điện ảnh có thể ghi dấu ấn ở Oscar phải là nền điện ảnh có bề dày, đằng sau nó cần cả nền văn hóa. Những thành công của châu Á tại Oscar cũng là những nước có nền văn hóa lớn. Chẳng hạn như Iran, phim của nước này có thể thắng nhiều giải thưởng và thu hút sự quan tâm vì Iran có nền văn hóa Ba Tư với truyền thống lâu đời về kể chuyện, là quê hương của Nghìn lẻ một đêm đã chinh phục cả thế giới. Năng khiếu kể chuyện đã nằm trong họ, và họ mang truyền thống đó đến thế giới.

Còn Việt Nam, tuy chúng ta có nhiều chất liệu hay để làm phim, nhưng tiếc rằng những hạn chế về mặt tài năng, về kiểm duyệt… còn ảnh hưởng. Do đó, nền điện ảnh của chúng ta vẫn đang nằm ở nấc thang tương đối thấp so với thế giới.

* Anh vừa nhắc đến điện ảnh Iran. Khi nói về sự khan hiếm giải thưởng quốc tế của điện ảnh Việt Nam, một số người so sánh bằng cách đưa ví dụ về điện ảnh Iran. Điện ảnh Iran đã “vượt khó” để để giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có cả Oscar. Anh nghĩ gì về sự so sánh này?

- Tôi nghĩ “vượt khó” chỉ là một phần. Một nền điện ảnh sở hữu tác phẩm có sức lan tỏa đến thế giới phải là một nền điện ảnh có năng lượng đặc biệt, hay một ý chí mạnh mẽ. Điều này không hẳn là “vượt khó” mà là năng khiếu, là tài năng đã nằm trong gen của họ. Chúng ta đừng nghĩ sẽ có những gương “vượt khó” để đưa điện ảnh một nước nào đó đến thành công. Đó là một suy nghĩ rất mơ mộng.

* Một câu hỏi cho riêng anh thôi, là một đạo diễn trẻ, anh có nghĩ đến một ngày phim của mình sẽ được đề cử ở Oscar?

- Oscar là một giải thưởng tôi không nghĩ đến nhiều, vì tôi theo đuổi những dòng phim kiểu khác. Tôi nghĩ nhiều hơn đến những giải thưởng điện ảnh của châu Âu, nơi có sự phá cách, sáng tạo.

Điều quan trọng không nằm ở việc mình phải đi đến giải thưởng cụ thể, mà trước hết phải xem mình có sở trường gì, liệu năng lực, tình yêu của mình có đủ để đưa một câu chuyện gắn liền với Việt Nam, gắn với bản nhân mình vào điện ảnh không. Khi đã có năng lực làm việc đó, bản thân tác phẩm sẽ có tiếng nói và tiếng nói đó sẽ có giá trị.

* Cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.