'Ép' khách hàng nhận nhà

15/08/2016 08:00 GMT+7

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời phải được Sở Xây dựng xác nhận công trình đủ điều kiện mới được đưa dân vào ở.

Thế nhưng, thực tế rất nhiều chủ đầu tư hiện không tuân thủ quy định này khi “ép” khách hàng nhận nhà dù dự án chưa được nghiệm thu, thậm chí còn chưa làm xong hạ tầng, chưa có thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy...
Hiểm nguy rình rập
Mới đây, chung cư HQC Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM) bỗng dưng bị cháy lúc nửa đêm khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống tại đây phải tháo chạy thoát thân. Ngọn lửa xuất phát từ tầng 11, sau đó lan rộng. Bước đầu, nguyên nhân gây cháy được xác định do chập điện.
Đáng nói, đến nay chung cư này vẫn chưa được Sở Xây dựng TP nghiệm thu đủ điều kiện sử dụng. Nguy hiểm nhất là hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng vẫn đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, chưa xây dựng xong. Có mặt tại dự án này mới đây, chúng tôi quan sát thấy cảnh các công nhân cùng máy móc xây dựng vẫn đang làm việc rầm rộ. Thế mà chủ đầu tư dự án này là Công ty địa ốc Hoàng Quân vẫn vô tư “lùa” dân về ở, bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng khách hàng.
Tại khu chung cư 6B (H.Bình Chánh) của Công ty Quốc Cường Gia Lai, rất nhiều cư dân sống ở đây cũng đã lên tiếng phản đối việc chủ đầu tư đưa người dân vào ở khi việc xây dựng chưa hoàn tất, các hạng mục hạ tầng vẫn chưa làm xong và đặc biệt là chưa được nghiệm thu về hệ thống PCCC, thang máy, hệ thống điện... Anh Lê Văn Dũng, một khách hàng dọn nhà về đây từ đầu tháng 12.2015, cho biết hiện có khoảng 600 hộ dân vào ở nhưng các đường nước bị rò rỉ, nhiều khi nước tầng 17 chảy xuống nền nhà anh ở tầng 16. Hầm giữ xe nước mưa vào thoát không kịp, bể nước nằm ngay hầm rác, gây ô nhiễm, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, thang máy thường xuyên bị “trôi” tự do... Đến nay, dự án vẫn chưa có nghiệm thu đưa vào sử dụng của Sở Xây dựng. “Vì thuê nhà tốn kém, lại chưa trả hết tiền vay ngân hàng mua nhà nên tôi phải đánh liều nhận nhà ở. Nhưng nhận xong thấy vào ở hiểm nguy rình rập, không biết xảy ra tai nạn lúc nào nữa. Không những vậy, do công trình đang thi công nên bụi bặm và tiếng ồn tra tấn cư dân mỗi ngày”, anh Dũng bức xúc.
Trước đó, hàng chục khách hàng đang sống tại chung cư Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình) bỗng dưng bị đuổi ra đường khi cơ quan chức năng cắt điện, nước, xử phạt chung cư này vì xây dựng sai phép hàng loạt hạng mục. Không những vậy, dự án này còn chưa xây dựng xong các tiện ích, hạ tầng. Thậm chí, hệ thống PCCC, thang máy còn chưa làm xong, tòa nhà vẫn đang trong quá trình sơn phết, hoàn thiện...
Không chỉ riêng tại TP.HCM, tại Hà Nội rất nhiều dự án cũng “ép” khách hàng nhận nhà khi chưa xây dựng xong, chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện đưa dân vào ở. Điều này đã đẩy người dân vào hiểm nguy và rủi ro.
Chiếm dụng vốn của khách hàng
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, việc bàn giao nhà khi chưa hoàn tất công trình là "kỹ xảo" mà các chủ đầu tư tận dụng tâm lý sốt ruột muốn có chỗ ở của khách hàng; một số trường hợp chủ đầu tư lợi dụng gói 30.000 tỉ đồng hối khách hàng nhận nhà sớm để được hưởng lãi suất ưu đãi giải ngân trong hạn định... “Nhưng nguyên nhân thực sự là họ đang tìm mọi cách chiếm dụng vốn của khách. Bởi trong vòng đời dự án thì khoảng thời gian cuối chủ đầu tư phải thanh toán nhiều nhất cho nhà thầu xây dựng, chi phí tồn đọng là 20 - 30% giá trị công trình. Nên dù công trình đang hoàn thiện thì chủ đầu tư vẫn bàn giao cho khách mua nhà để sớm thu phần tiền còn lại, lấy tiền thanh toán cho nhà thầu...”, ông Quang nói.
Mặt khác, cũng theo ông Quang, quy định hiện nay chủ đầu tư chỉ được nhận tiền khách hàng tối đa là 70% trước khi bàn giao nhà đối với DN trong nước và tối đa 50% đối với DN nước ngoài, nhưng chủ đầu tư đều thu đến 90 - 95% giá trị căn hộ. Như vậy, chủ đầu tư bắt khách hàng nhận nhà trước nghĩa là đã chiếm dụng hoặc tận dụng số tiền của khách hàng (lên tới 25 - 45%) để thanh toán cho nhà thầu. Khách hàng nhận nhà trước, buộc phải ký nghiệm thu công trình, chủ đầu tư né trách nhiệm khi công trình kém chất lượng hoặc vật tư không đúng, công trình phụ còn thiếu. Việc bàn giao lác đác cho từng người mua nhà giúp chủ đầu tư "né" luôn việc thành lập ban quản trị để tránh kiểm soát chất lượng bàn giao và nhất là “giữ luôn” phí bảo trì chiếm 2% giá trị dự án. “Lợi dụng tâm lý nôn nóng nhận nhà của khách hàng, nhiều chủ đầu tư nhắm mắt liều giao nhà cho khách khi chưa xong hạ tầng, thậm chí chưa có thang máy, hệ thống PCCC... Điều này khiến thời gian qua xảy ra hàng loạt sự cố khi dự án mới đưa vào vận hành chưa được bao lâu”, ông Quang cho hay.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân luật quy định còn chung chung thiếu cụ thể, quản lý kiểu khoán cho người mua. Cụ thể, điều 124 luật Xây dựng quy định việc bàn giao chỉ thực hiện sau khi đã nghiệm thu công trình xây dựng và bảo đảm an toàn trong vận hành khai thác khi đưa công trình vào sử dụng. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng chỉ ghi nhận việc “bảo đảm kết nối” với hệ thống hạ tầng chung của khu vực. “Dự án nào cũng có văn bản thông báo nhận nhà nhưng không bao giờ kèm thông tin nào về điều kiện đảm bảo này. Trong khi đó, việc xác định khi nào đủ điều kiện bàn giao và yêu cầu kiểm tra thông tin từ chủ đầu tư là rất khó đối với người mua nhà”, luật sư Phượng nói.
Theo khoản 4 điều 31 Nghị định 121/2013 thì hành vi tổ chức bàn giao khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng. Thực tế mức phạt này không thấm với việc chủ đầu tư “chạy” đợt thanh toán (70% đến 95% giá trị) từ khách hàng và không được sự giám sát từ phía nhà nước nên việc xử phạt này thuộc loại “hiếm” gặp. Chính vì vậy, các chủ đầu tư cứ vô tư phạm luật, giao nhà sớm cho khách hàng bất chấp những rủi ro, nguy hiểm mà khách hàng phải gánh chịu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.