WHO mới đây có thông tin cảnh báo về việc phát hiện siro ho có chứa ethylene glycol hàm lượng quá mức cho phép, gây tổn thương nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Trao đổi với Thanh Niên hôm nay 14.12, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, ethylene glycol (C2H6O2, Ethane-1,2 diol) là chất lỏng không màu, không mùi, vị ngọt, sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, không sử dụng trực tiếp trong ngành dược.
Ethylene glycol có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người dùng tùy thuộc vào mức độ, nồng độ mà cơ thể tiếp thụ.
Ethylene glycol có tính chất hóa, lý giống với propylene glycol, là một chất có sử dụng làm tá dược trong dược phẩm. Ethylene glycol còn được dùng làm nguyên liệu để tổng hợp một số chất polyme được sử dụng làm tá dược trong ngành dược như polyethylene glycol, PEG hay các macrogol.
Đối với các tá dược macrogol, khi sử dụng phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó phải đạt mức giới hạn ethylene glycol và diethylene glycol (không được quá 0,4%, quy định của Dược điển Việt Nam 5) để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Mới đây, WHO cảnh báo đã phát hiện một số siro ho và hỗn dịch có thành phần hoạt tính để điều trị một số tình trạng bệnh lý chứa lượng ethylene glycol vượt quá mức cho phép.
WHO nêu rõ, các sản phẩm ảnh hưởng đều có ghi thông tin do Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất và được phát hiện đầu tiên tại Maldives và Pakistan.
Theo cảnh báo, nồng độ ethylene glycol trong thuốc dao động từ 0,62 - 0,82%, cao hơn so với mức cho phép là 0,1%.
WHO cảnh báo, những sản phẩm không đạt chuẩn, không an toàn và việc sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là ở trẻ em có thể dẫn đến tổn thương với sức khỏe. Hiện, WHO chưa ghi nhận trường hợp nào bị tác dụng phụ do các loại thuốc ho này.
Theo Cục Quản lý dược, loại siro ho (thuốc ho) Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell nằm trong số sản phẩm WHO cảnh báo do có chứa ethylene glycol quá mức chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Công ty dược Pharmix Laboratories (Pakistan) chưa được cấp đăng ký lưu hành tại Việt Nam; chưa có thuốc nào được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; chưa có hồ sơ đăng ký thuốc nộp tại Cục Quản lý dược và chưa được cấp giấy phép nhập khẩu đối với thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành.
Để an toàn cho sức khỏe, khi sử dụng thuốc ho, siro ho, đặc biệt cho trẻ nhỏ, cần được khám, có hướng dẫn của bác sĩ và chỉ mua, sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế.
Bình luận (0)