EU đề xuất luật chia sẻ dữ liệu, 'big tech' phản đối

Hiển Đạt
Hiển Đạt
25/02/2022 08:32 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất luật bắt buộc chia sẻ dữ liệu nhiều hơn giữa các công ty ở châu Âu. Từ đó, các công ty công nghệ lớn (big tech) sẽ phải cung cấp một phần dữ liệu với các công ty nhỏ hơn.

EU đề xuất luật chia sẻ dữ liệu, được cho là nới lỏng sự kìm kẹp của các big tech và mở rộng thị trường

REUTERS

Các quy tắc vừa được đề xuất nói trên nằm trong dự luật mang tên Đạo luật Dữ liệu, nhắm vào các công ty công nghệ lớn với mục tiêu hạn chế việc lạm dụng quyền thống trị “ngầm” và buộc họ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc kiểm soát nội dung trực tuyến.

Quay trở lại với những đề xuất mới, theo giới chức EU, dự luật nhằm nới lỏng sự kìm kẹp của các “big tech” trong việc nắm giữ dữ liệu và tạo cơ hội cho các công ty nhỏ theo kịp trong cuộc đua lợi nhuận từ vô số tập dữ liệu phi cá nhân, được thu thập từ các sản phẩm kết nối như xe hơi, thiết bị nhà thông minh, giám sát nhà máy… WSJ cho biết các loại thiết bị này đang dần trở nên phổ biến có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Kết hợp với việc EU đang triển khai 5G rộng rãi, lượng dữ liệu phi cá nhân được dự đoán là sẽ gia tăng đột biến trong tương lai gần.

Chia sẻ dữ liệu giữa các công ty đa dạng hóa thị trường EU

Đề xuất luật chia sẻ dữ liệu, giới chức EU kỳ vọng chúng sẽ mở ra nhiều thị trường dữ liệu hơn bằng cách buộc các công ty thực hiện các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cho phép người tiêu dùng lựa chọn giữa các nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh khi sử dụng các thiết bị được kết nối. Nhờ đó, các công ty nhỏ sẽ có cơ hội mở rộng dịch vụ và thị trường, trong khi đó người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Để hình dung dễ hơn, đề xuất đưa ra hai ví dụ cụ thể:

- Người tiêu dùng có thể gửi dữ liệu từ máy rửa bát thông minh đến dịch vụ sửa chữa của bên thứ ba, thay vì chỉ có một hoặc rất ít lựa chọn từ nhà sản xuất.

- Chủ nhà máy có thể chia sẻ thông tin robot thu thập được với một công ty bên thứ ba để cùng nhau tối ưu hóa hiệu suất.

Không chỉ người dân và doanh nghiệp nhỏ hưởng lợi, dự luật hứa hẹn sẽ mang đến một khoản lợi khổng lồ cho nền kinh tế EU. “Đạo luật Dữ liệu sẽ đảm bảo dữ liệu công nghiệp được chia sẻ, lưu trữ và xử lý tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt của châu Âu”, ông Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ châu Âu, cho biết.

Nếu được thông qua, ông Breton ước chừng dự luật có thể đóng góp thêm 270 tỉ Euro, tương đương 305,76 tỉ USD, vào nền kinh tế châu Âu trong năm 2028.

Các “big tech” phản đối kịch liệt

Các “big tech” đều tỏ ra bất bình với dự luật mới của EU, chỉ trích đây là dự luật “phân biệt đối xử” với họ và “ép” các công ty vận hành ở châu Âu phải lưu trữ dữ liệu ở đây nhiều hơn với các nhà cung cấp đến từ châu Âu, thay vì được phép tự do gửi chúng ra nước ngoài hoặc sử dụng các công ty Mỹ.

Nhiều nhà vận động hành lang và giới luật sư trong ngành có quan điểm bảo vệ các big tech, bày tỏ lo ngại rằng dự luật sẽ đặt ra gánh nặng đáng kể cho các công ty, khi họ sẽ phải tự xác định cách giải quyết các yêu cầu dữ liệu và những dữ liệu nào họ có nghĩa vụ phải chia sẻ.

“Tính kinh tế của dữ liệu cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ. Đây chắc chắn sẽ là gánh nặng tuân thủ rất lớn [đối với các big tech]”, Christoph Werkmeister, đối tác của Freshfields Bruckhaus Deringer, quan ngại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.