EU muốn sớm kết thúc 'ác mộng' Brexit

27/06/2016 08:02 GMT+7

Giới lãnh đạo EU đang muốn việc Anh chia tay liên minh khu vực, còn gọi là Brexit, diễn ra nhanh gọn để hạn chế các hệ lụy.

Tại thủ đô Brussels của Bỉ, sau cơn choáng váng từ kết quả trưng cầu dân ý ở Anh, các cơ quan trọng yếu của EU đang tất bật chuẩn bị cho một “châu Âu mới”. Đêm dài lắm mộng, nhất là một cơn “ác mộng” vừa trở thành hiện thực như Brexit thì được giải quyết sớm chừng nào, tốt chừng nấy.
Tờ Bild ngày 26.6 dẫn lời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhận định: “Việc kéo dài một giai đoạn lờ mờ sẽ dễ dẫn đến bất ổn. Thái độ lưỡng lự, chủ yếu chỉ để phục vụ trò chơi chiến lược của đảng Bảo thủ Anh sẽ làm hại chúng ta. Vì thế, chúng tôi tin tưởng London sẽ thực hiện lời hứa ngay bây giờ và ngày 28.6 chính là thời điểm thích hợp”.
Ngày 28 và 29.6 sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh của EU tại Brussels. Cuộc họp này vốn được lên lịch từ trước nhưng do diễn ra ngay sau khi có kết quả trưng cầu tại Anh nên chắc chắn chủ đề chính sẽ là Brexit.
Theo tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, 4 nhóm chính trị lớn nhất của Nghị viện châu Âu cũng ra tuyên bố chung khẳng định rằng: “Sẽ không thể có mối quan hệ nào mới được thiết lập giữa Anh với EU chừng nào quy trình rời khỏi liên minh khu vực của nước này chưa hoàn tất”.
Tránh sa lầy
Cũng trong cuối tuần qua, ngoại trưởng 6 nước sáng lập Liên minh châu Âu (Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Ý) đã họp tại thủ đô Berlin của Đức. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đại diện các vị đồng cấp kêu gọi London kích hoạt quy trình rời khỏi liên minh “sớm nhất có thể để tránh bị sa lầy”.
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập Liên minh châu Âu trong buổi họp báo sau cuộc gặp tại thủ đô Berlin của Đức Reuters
Những tuyên bố trên cho thấy EU không đồng ý với việc Thủ tướng Anh David Cameron sớm tuyên bố sẽ từ chức và đẩy trọng trách “nói lời chia tay” cho người kế nhiệm, nhiều khả năng phải đợi đến tháng 10 mới được bầu chọn trong đại hội của đảng Bảo thủ cầm quyền.
Trong khi đó, ông Jonathan Hill, ủy viên của Anh tại Ủy ban châu Âu (mỗi quốc gia thành viên EU chỉ có 1 ủy viên) đã từ nhiệm ngay khi có kết quả trưng cầu. Ông Hill nhận định: “Chúng tôi đã chuyển sang một thời kỳ mới nên không có lý do gì để tôi tiếp tục vai trò của mình như chưa có gì xảy ra”.
Để chuẩn bị cho quy trình phức tạp có thể kéo dài 2 năm, EU đã chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu người Bỉ Didier Seeuws đứng đầu “Lực lượng phản ứng Brexit”. “Lực lượng” này sẽ chuyên trách toàn bộ việc đàm phán với Anh dựa trên điều 50 của Hiến chương châu Âu, đặc biệt là về tương lai của nước này ở thị trường chung của khu vực.
Cú sốc Brexit vẫn đang tràn ngập trên báo chí Anh Reuters
EU tìm tiếng nói chung
Ngoài hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, rất nhiều cuộc gặp đã được tổ chức để bàn về Brexit. Ngày 25.6, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng Tổng thống Pháp François Hollande đã ăn tối với Thủ tướng Ý Matteo Renzi tại thủ đô Paris.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã mời ông Hollande, ông Renzi và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đến Berlin vào hôm nay 27.6 để thảo luận. Sau khi người Anh lựa chọn “chia tay”, hơn bao giờ hết, Pháp và Đức cần phải tìm được tiếng nói chung để thể hiện vai trò 2 cường quốc “đầu tàu” của khu vực. Cho đến nay, Paris có thái độ khá cứng rắn khi đánh giá Brexit có thể là một cơ hội để thực hiện những thay đổi ở EU, đặc biệt là về mặt an ninh và quốc phòng. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel tỏ ra thận trọng hơn khi kêu gọi các nhà lãnh đạo trong liên minh không nên đưa ra quyết định “quá nhanh và đơn giản”.
Cũng trong ngày 27.6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Brussels để gặp Ngoại trưởng EU Federica Mogherini và sau đó sang London để gặp người đồng cấp Anh Philip Hammond. Cả Anh lẫn EU đều là những đồng minh truyền thống nên Brexit chính là kịch bản xấu nhất đối với Washington.
Hồi tháng 4, nhân chuyến công du ở London, tổng thống Mỹ từng nhận định trên tờ Daily Telegraph: “Là một người bạn, hãy để tôi nói rằng ở lại EU sẽ giúp Anh vững mạnh hơn”.
Có thể tổ chức lại trưng cầu ?
Đến ngày 26.6, lời kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu thứ 2 ở mục kiến nghị trực tuyến trên website của quốc hội Anh đã thu hút hơn 3 triệu chữ ký, con số kỷ lục kể từ khi mục này được mở vào năm 2011.
Theo tờ Le Figaro, trong ngày 25.6, có lúc lượng ký tên trực tuyến lên đến 3.000 lượt/phút, gây nghẽn mạng tạm thời. Lời kêu gọi nói trên được mở trong 6 tháng từ ngày 25.5 - 25.11, với nội dung tổ chức lại trưng cầu nếu lựa chọn “đi” hay “ở” giành chiến thắng với tỷ lệ dưới 60% và tỷ lệ công dân đi bỏ phiếu dưới 75%.
Nguyên nhân việc tổ chức lại trưng cầu nhận được sự ủng hộ cực lớn là rất nhiều người dân xứ sương mù đang ngày càng nhận ra hệ lụy khủng khiếp của Brexit. Nhiều người từng bỏ phiếu để Anh rời EU bắt đầu thấy tiếc nuối vì không tìm hiểu đủ thông tin mà vội vàng tin vào lập luận chống châu Âu của các chính trị gia cực hữu.
Về nguyên tắc, từ 10.000 chữ ký trở lên, kiến nghị trực tuyến sẽ nhận được hồi đáp của một ủy ban trực thuộc quốc hội Anh. Từ 100.000 chữ ký trở lên, kiến nghị có thể sẽ được đưa ra thảo luận tại nghị trường. Tuy nhận được hơn 3 triệu chữ ký, tức gấp 30 lần so với tiêu chuẩn nhưng theo nhiều chuyên gia, gần như không thể có khả năng trưng cầu về Brexit được tổ chức lại.
Một phát ngôn viên Hạ viện Anh đã thông báo rằng lời kêu gọi này sẽ được thảo luận vào ngày 28.6 nhưng theo luật, lưỡng viện không bị bắt buộc bỏ phiếu thông qua hoặc ra quyết định gì chính thức.
Trên thực tế, kiến nghị trực tuyến chỉ mang tính tham khảo vì để ký tên, chỉ cần đánh dấu vào ô “tôi là công dân Anh” và cung cấp mã bưu điện của nơi ở mà không cần chứng minh bằng bất kỳ giấy tờ nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.