Như dự đoán, thế lực truyền thống của châu Âu vẫn xoay xở duy trì quyền kiểm soát Nghị viện châu Âu, nhưng phe cực hữu giành được số ghế chưa từng có và tình hình ở Pháp tệ đến nỗi Tổng thống Emmanuel Macron buộc phải tuyên bố bầu cử sớm.
Tình thế bấp bênh
Sau cuộc bầu cử từ ngày 6 - 9.6 diễn ra khắp 27 quốc gia thành viên EU, các đảng cực hữu được cho có thể giành được khoảng 150 trong số 720 ghế Nghị viện châu Âu, theo CNN hôm qua. Trong bài phát biểu tối 9.6 ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo kết quả cho thấy đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu của bà giành được đủ số ghế để tiếp tục đảm nhận vai trò "cái neo của sự ổn định" cho EU. Cụ thể, EPP thắng được 184 trong số 720 ghế, thứ hai là nhóm trung tả Xã hội và Dân chủ (S&D) với 139 ghế và thứ ba là đảng Đổi mới châu Âu (RE) với 80 ghế. Tổng cộng các đảng truyền thống giành được 403 trong số 720 ghế nghị viện nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Pháp cân nhắc tương lai sau khi phe cực hữu chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu EU
Bản thân bà von der Leyen tự tin sẽ đắc cử Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nhiệm kỳ thứ 2. Tuy nhiên, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni hôm qua cảnh báo còn quá sớm để có thể biết được bà von der Leyen có tái đắc cử hay không. Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh RTL, bà Meloni nói rằng kết quả tại các phòng phiếu cho thấy châu Âu cần phải thi hành những chính sách thực tế hơn trong tương lai, và Ý giữ vai trò nền tảng cho tương lai đó.
Reuters dẫn kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Các anh em Ý cánh hữu của bà Meloni nhận được 28,6% số phiếu, tương đương 24 trong tổng số 76 ghế nghị viên nhiệm kỳ tới. Điều này có nghĩa thủ tướng Ý có thể quyết định vận mệnh chính trị của bà von der Leyen, và liệu bà có nhận đủ số phiếu cần thiết để tiếp tục nhiệm kỳ 2 hay không.
Bên cạnh Ý, thế lực cực hữu đang mạnh lên ở Đức sau bầu cử. Bất chấp bê bối liên quan đến các ứng viên của đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) cực hữu, số ghế mà họ giành được là 15, đủ vượt qua con số 14 ghế của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Biến động ở Pháp
Tuy nhiên, "ngôi sao" của cuộc bầu cử năm nay chính là đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của nghị sĩ cực hữu Pháp Marine Le Pen. Hôm qua, nước Pháp khởi động quy trình bầu cử bất thường sau khi Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ thông báo giải tán quốc hội vì đảng cầm quyền thất bại trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hôm 9.6. Kết quả kiểm phiếu cho thấy RN về nhất tại Pháp với 31,4% số phiếu, tương đương 30 ghế và tăng 12 ghế so với bầu cử năm 2019. Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron về nhì với 14,6% số phiếu, tương đương 13 ghế.
Cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ngày 30.6, chưa đầy 1 tháng trước khi Olympic mùa hè khai mạc ở Paris, và vòng 2 được tổ chức ngày 7.7. Trả lời Đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gọi cuộc bầu cử quốc hội sắp tới sẽ mang đến kết quả quan trọng nhất đối với nước Pháp và trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa.
Theo Reuters dẫn nhận định của giới quan sát, quyết định gây sốc của ông Macron được cho là bước đi nguy hiểm. Nếu thất bại, nước Pháp sẽ chứng kiến việc chuyển giao quyền lực cho phe cực hữu sau nhiều năm vẫn bên lề quyền lực, đồng thời vô hiệu hóa nhiệm kỳ tổng thống của ông sớm hơn 3 năm. Thừa thắng xông lên, RN cho biết sẽ đề cử Chủ tịch Jordan Bardella cho ghế thủ tướng Pháp nếu đảng này thắng cử.
Thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm sau bầu cử
Hôm qua, giá cổ phiếu ở thị trường châu Âu sụt giảm sau khi Tổng thống Pháp Macron thông báo giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, theo Reuters. Chỉ số CAC 40 ở Pháp giảm 1,8% giá trị, xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng, với cổ phiếu của các ngân hàng BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole giảm từ 4,3 - 7%. Chưa dừng lại ở đó, CAC 40 đang trên đà giảm sâu nhất trong ngày kể từ tháng 7.2023. Chỉ số toàn châu Âu STOXX 600 giảm nhẹ 0,6%, với chỉ số DAX (Đức) và IBEX (Tây Ban Nha) giảm lần lượt 0,7% và 0,6%.
Bình luận (0)