EURO 2020: Tuyển Anh bước qua sợ hãi

09/07/2021 06:52 GMT+7

Ở trận bán kết 2, đội Đan Mạch đã tận hiến đến những giây cuối cùng, còn tuyển Anh đã chạm tới được ngưỡng cửa thiên đường khi dũng cảm bước qua nỗi sợ hãi...

“Tam sư” đã run rẩy

Tuyển Anh chưa từng lọt vào một trận chung kết EURO, chính vì thế họ đi ra từ đường hầm sân Wembley với những bước chân run rẩy đầy lo lắng. Sự căng thẳng bao trùm toàn đội quân áo trắng. Jordan Pickford đứng trong khung thành với khuôn mặt trắng bệch và đôi chân nặng trịch như đeo đá. 31 đường bóng trong 120 phút thi đấu với tỷ lệ thành công 38% - đây không phải là một Pickford nhanh nhẹn, lì lợm, chính xác mà người ta đã biết. Raheem Sterling cũng đỡ hụt từ đường chuyền đơn giản của đồng đội; cặp tiền vệ trung tâm Rice và Phillips thường xuyên đỡ bóng chuyền về rất tối. Tuyển Anh mất nhịp và bối rối.
Tranh cãi luôn là một phần không thể thiếu trong bóng đá và nó cũng là thứ giúp bóng đá trở nên đa sắc màu hơn. Đan Mạch không thể thay đổi số phận và Anh cũng sẽ chuẩn bị cho trận chung kết đầu tiên của mình trong lịch sử phát triển của EURO. Cuộc đối đầu đỉnh cao giữa Anh và Ý xứng đáng là trận chung kết trong mơ dành cho những đội bóng xứng đáng nhất.
Có vẻ như bầu không khí sôi sục của khoảng 60.000 khán giả trên sân Wembley đã khiến các “chú sư tử” Anh không kiểm soát được cảm xúc của mình. Họ nhập cuộc vội vàng và hấp tấp, chuyền hỏng, chuyền lỗi liên tục. Trong khi đó bộ đôi Delaney - Hojbjerg bên phía Đan Mạch đã chơi tuyệt hay ở khu vực giữa sân, cầm bóng phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng và hiệu quả. Ở phía trên, tốc độ của Damsgaard - Dolberg - Braithwaite đã khiến hàng phòng ngự Anh luôn ở trạng thái báo động, những sai sót liên tục xảy ra, những tình huống phạm lỗi không cần thiết. Và từ tình huống kéo người thô của Luke Shaw, Đan Mạch được hưởng quả phạt trực tiếp từ khoảng cách hơn 20 m. Damsgaard đã vẽ nên siêu phẩm tuyệt vời với cú đá mang thương hiệu “knuckle ball” của Ronaldo. Pha dứt điểm hoàn hảo này đã khiến đội tuyển Anh lần đầu bị thủng lưới tại EURO 2020 và cũng đặt “Tam sư” vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sư tử đầu đàn kịp lên tiếng

Rất may, khi “Tam sư” sắp rơi vào cửa tử thì “sư tử đầu đàn” Harry Kane đã kịp lên tiếng. Khi tuyến giữa hoảng loạn và không thể kiểm soát bóng, số 9 lui về nhận bóng, giữ nhịp, phân phối, điều tiết để giúp đồng đội hồi tỉnh và tìm được nhịp thi đấu. Một vài tình huống Kane chủ động giữ bóng chắc, đột phá để tìm kiếm những quả phạt. Điều này không chỉ giúp tuyển Anh có cơ hội gây áp lực trở lại về phía khung thành của Schmeichel mà còn là những khoảng lặng cần thiết để đồng đội bình tĩnh lại. Và rồi cứ thế Kane dẫn dắt tuyển Anh từng bước trở lại, gỡ hòa và lội ngược dòng thành công. Đầu tiên là pha chọc khe đầy cảm giác và vừa vặn với từng bước di chuyển của Saka để chàng trai trẻ của Arsenal thoát xuống căng ngang khó chịu khiến Simon Kjaer đá phản lưới nhà. Sau đó, khi được Sterling tạo điều kiện thuận lợi trên chấm đá 11 m, Kane cũng đã lạnh lùng thực hiện thành công dù phải mất 2 lần dứt điểm.
Đó có lẽ là màn trình diễn xuất sắc nhất của đội trưởng Harry Kane kể từ đầu giải. Vì nó không chỉ là những đóng góp chuyên môn đơn thuần mà còn là thể hiện vai trò thủ lĩnh, chỗ dựa của đồng đội lúc khó khăn. Dưới sự dẫn dắt của Kane, “Tam sư” đã bước qua được nỗi sợ hãi, bước qua ám ảnh về những thất bại trong quá khứ để hướng đến mục tiêu lớn lao hơn. Đó là chức vô địch EURO đầu tiên trong lịch sử.

Bữa tiệc không trọn vẹn

Lẽ ra chiến thắng của đội tuyển Anh trước Đan Mạch phải là một bữa tiệc lớn của bóng đá châu Âu và thế giới, vì cả hai đội đã cống hiến hết những tinh hoa, những gì tốt đẹp nhất của mình cho trận đấu này. Đan Mạch chơi phóng khoáng, tự tin và đầy sắc sảo. Thời điểm hiệp 1, khi còn sung sức, lối chơi của Đan Mạch thanh thoát và đẹp mắt hơn tuyển Anh rất nhiều. Họ có sự chắc chắn nơi hàng thủ, khả năng luân chuyển và kiểm soát bóng nhịp nhàng của tuyến giữa, có tốc độ và sự đột biến của tuyến trên. Thậm chí họ còn có cơ hội để kết thúc trận đấu này nếu như chắt chiu những cơ hội phản công sau khi có bàn mở tỷ số của Damsgaard. Nhưng điểm yếu của Đan Mạch mùa này là thể lực và chiều sâu đội hình. 12, 13 cầu thủ chính thức của HLV Hjulmand đã phải thay nhau cày ải 6 trận đấu đã qua mà không có nhiều sự thay thế. Nên việc Kjaer cùng các đồng đội xuống sức, phải chịu trận trước tuyển Anh trong suốt hiệp 2 và thời gian thi đấu hiệp phụ cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng có lẽ vết gợn lớn nhất của trận đấu này là tình huống Raheem Sterling đột phá vào vòng cấm, xảy ra va chạm và tuyển Anh được hưởng quả 11 m. Nhiều chuyên gia, nhiều cựu danh thủ lên tiếng rằng số 10 tuyển Anh ngã vờ và tác động của các cầu thủ Đan Mạch chưa đủ để thổi penalty. Nhưng qua nhiều góc quay của truyền hình, và cả những sự tư vấn của các trọng tài tên tuổi của VN thì có thể khẳng định Sterling đã bị phạm lỗi: Maehle tác động trước vào khoeo gối phải và Jensen sang người không hợp lệ vào hông Sterling ở nhịp tiếp theo.
Trọng tài Danny Makkelie ở một vị trí quan sát thuận lợi, chỉ cách 4 m, không khuất tầm nhìn, đã rất kiên quyết cắt còi. Và kịch tính còn xuất hiện khi khán giả phát hiện có 1 trái bóng đã nằm sẵn trên sân, rất gần với hướng đột phá của Sterling, và khi số 10 của tuyển Anh đột phá thì trái bóng phụ không gây ra ảnh hưởng trực tiếp nào. Quy định của điều luật số 2: “Khi xuất hiện quả bóng thứ 2 trên sân, luật hướng dẫn rằng, trọng tài để cho trận đấu được tiếp tục và sẽ đưa quả bóng thứ 2 đó rời sân sớm nhất có thể, nếu nó không gây ảnh hưởng gì...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.