EVFTA: Cơ hội ‘vàng’ xác lập chuỗi cung ứng toàn cầu

Anh Vũ
Anh Vũ
21/05/2020 17:43 GMT+7

Hiệp định EVFTA được trình Quốc hội phê chuẩn ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như một cơ hội vàng để Việt Nam có được cú đột phá lịch sử, xoá bỏ lệ thuộc, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở chuỗi cung ứng cho 500 triệu dân EU

Nền kinh tế Việt Nam dù đã và đang phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng GDP đều đặn qua các năm, nhưng những “điểm yếu” lớn nhất vẫn nằm ở việc quá phụ thuộc vào một vài thị trường. Về nguyên liệu đầu vào, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (dệt may, da giày, linh kiện điện tử…), trong khi đầu ra, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Điểm yếu đó càng bộc lộ rõ nét hơn trong đại dịch Covid-19. Phần lớn hoạt động sản xuất, công nghiệp đã bị đình trệ, đóng băng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, nhà máy, xí nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất.
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, việc Quốc hội xem xét phê chuẩn thực thi Hiệp định EVFTA, theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đồng thời, cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định”, ông Trần Tuấn Anh báo cáo trước Quốc hội.
Nói thêm về chuỗi cung ứng này trong EVFTA, đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định cơ hội mang lại từ hiệp định này là rất lớn, vì Việt Nam sẽ không chỉ phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng nào, mà có thể làm ăn với thị trường gồm 28 quốc gia EU và 450 triệu dân, tổng GNP là 18.000 tỉ USD.
Đối với xuất khẩu, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. EVFTA được sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020, gần 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, EU hiện không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng. Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường. Với tư cách là một trong những nước phát triển đầu tiên, Việt Nam có được Hiệp định thương mại tự do với EU.
Do đó, Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để trở thành một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Từ đó, quan hệ thương mại, đầu tư và cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác được xây dựng mức cao hơn với EU.
“Lâu nay, các chuỗi cung ứng từ nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, điện tử đến cả thiết bị y tế... đều phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Ngoài vai trò công xưởng của thế giới, lợi thế dân số đông, có thu nhập ngày một tăng đã biến nền kinh tế thứ hai thành thị trường tiêu thụ béo bở của bất cứ doanh nghiệp nào”, PGS - TS Ngô Trí Long bình luận.
Vẫn theo PGS - TS Ngô Trí Long, đại dịch Covid-19 bùng phát càng phơi bày sự phụ thuộc quá mức của cả thế giới vào Trung Quốc. Điển hình như tại nền kinh tế số 1 thế giới, việc lệ thuộc vào nguồn cung ứng dược liệu, thiết bị y tế thiết yếu… đã cho thấy rõ những điểm yếu, sơ hở không thể cứu vãn của nước Mỹ hùng mạnh trước chỉ một biến cố dịch Covid-19 - các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa - thị trường dược phẩm Mỹ cũng đóng băng.
Do đó, theo ông Long, đây là cơ hội vàng để Việt Nam có thể lấp ngay vào chuỗi cung ứng đứt đoạn của Trung Quốc, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

EVFTA cơ hội vàng cho nông sản Việt vào Châu Âu

Ảnh Gia Hân

“Bắt tay” tạo chuỗi cung ứng khép kín

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình luận việc phê chuẩn hiệp định này trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta vừa vượt ra khỏi Covid-19 và đang trong quá trình tái khởi động nền kinh tế thì càng có ý nghĩa quan trọng.
Việc tăng cường hợp tác với EU giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận một thị trường với gần 450 triệu dân của những nền kinh tế thuộc loại giàu có nhất trên thế giới. Do vậy, giúp chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
“Chúng ta cũng có điều kiện để cải thiện vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có giá trị gia tăng cao hơn, có công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường hơn và phát triển bền vững hơn. Chúng ta cũng có thêm động lực để cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp để có thể thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm”, ông Lộc nói.
Theo PGS - TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân,  EVFTA đã mở ra chuỗi cung ứng mới, thị trường mới với nhiều thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường của EU. Trong đó có tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa được mở rộng hơn, những nguyên liệu sử dụng ở những nước đã có FTA với EU đều được chấp thuận như là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Điểm thứ hai, theo ông Cường, các hàng hóa trao đổi giữa hai bên Việt Nam và EU phần lớn là những hàng hóa bổ sung cho nhau chứ không phải là những hàng hóa cạnh tranh đối kháng. Ví dụ như trong lĩnh vực về dệt may thì cả hai bên đều có thế mạnh, nhưng thế mạnh của EU đó là vấn đề liên quan đến thiết kế, liên quan đến vấn đề về thương hiệu, trong khi thế mạnh Việt Nam lại quá trình sản xuất và quá trình về gia công.
Do vậy, đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, thủy, hải sản, dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ theo hướng là tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước.
Bên cạnh đó, cam kết trong Hiệp định của EVFTA cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong Hiệp định CPTPP, như tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thì phải đạt tiêu chuẩn của EU hoặc là tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới.
“Đây vừa là cơ hội, vừa là sức ép, thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao đầu tư theo hướng chiến lược dài hạn, liên kết với nhau để tạo chuỗi cung ứng khép kín, để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho hàng hóa Việt Nam”, PGS - TS Hoàng Văn Cường lưu ý. 
Dự kiến tháng 7.2020 sẽ có hiệu lực thi hành 
Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình, sẽ có bước ban hành nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.
Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm có hiệu lực. Đó là ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi có văn bản phê chuẩn của Quốc hội, có nghĩa là ngày Quốc hội ban hành nghị quyết.
Nếu như Quốc hội ban hành nghị quyết vào cuối tháng 5, thì sau đó 2 tháng, hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của hiệp định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.