EVN báo lỗ 27.685 tỉ đồng, Bộ Công thương họp báo công bố kết quả kiểm tra

31/03/2023 16:23 GMT+7

Bộ Công thương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Năm 2022, EVN báo lỗ 27.685 tỉ đồng.

Bộ Công thương cho biết, cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí và sản xuất kinh doanh điện của EVN diễn ra lúc 17 giờ hôm nay 31.3.

EVN báo lỗ 27.685 tỉ đồng, Bộ Công thương họp báo công bố kết quả kiểm tra - Ảnh 1.

Bộ Công thương sẽ công bố kết quả kiểm tra chi phí và sản xuất kinh doanh điện của EVN

ĐỘC LẬP

Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN khẳng định, năm 2022, tập đoàn này đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt nhân dân với chất lượng cung ứng điện ngày càng được nâng cao, góp phần vào tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%.

Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt 242,7 tỉ kWh, bằng 100,1% kế hoạch và tăng trưởng 7,73% so với năm 2021; tổn thất điện năng là 6,25%, giảm 0,2% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI giảm còn 267 phút, giảm 52 phút so với năm 2021.

Cũng theo EVN, năm 2022, tình hình thế giới phát sinh các biến động lớn đã tác động trực tiếp tới hoạt động của tập đoàn này. Đặc biệt, giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối tài chính của EVN.

Năm 2022, giá các loại nhiên liệu có giảm tuy nhiên vẫn ở mức tăng rất cao so với giai đoạn 2020 - 2021. Cụ thể, giá than nhập khẩu tăng 2,32 lần so với năm 2021; tăng 5,30 lần so với năm 2020. Giá dầu tăng 1,22 lần so với năm 2021; tăng 2,06 lần so với năm 2020. Tỷ giá năm 2023 dự kiến cao hơn bình quân tỷ giá năm 2022.

Cũng theo báo cáo của tập đoàn này, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đã lỗ 27.685 tỉ đồng, trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao trong khi giá bán lẻ điện bình quân đã giữ nguyên từ 4 năm nay chưa được điều chỉnh.

EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận khoản lỗ chi phí mua điện tăng cao, do các thông số đầu vào cơ bản của khâu phát điện biến động tăng trong năm 2022 là lý do khách quan do "thực hiện chính sách" và được đưa vào phương án giá điện năm 2023 và các năm tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.