EVN ‘ngập mặt’ vì lãi vay, chi quản lý doanh nghiệp ngày một tăng

Anh Vũ
Anh Vũ
20/06/2019 20:41 GMT+7

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố ngày 20.6 cho thấy, bức tranh khá ảm đạm về hiệu quả hoạt động kinh doanh của "ông lớn" này.

Năm 2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN đạt hơn 338.500 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017, giúp lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 53.158 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí tài chính tăng vọt khoảng 30% so với năm 2017 lên 29.000 tỉ đồng (chiếm hơn 1 nửa lợi nhuận gộp về bán hàng) đã gặm mòn hết lợi nhuận. Trong đó, riêng tiền lãi vay đã trả gần 18.900 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong khi phải gồng lưng đi vay, trả lãi thì EVN đang gửi hơn 34.200 tỉ đồng tiền gửi không kì hạn tại các ngân hàng. Trên thị trường lãi suất không kì hạn đối với doanh nghiệp chỉ 0,2%/năm. Với số tiền trên, EVN chỉ nhận được khoản lãi hơn 68 tỉ đồng - phần lợi nhuận quá ít ỏi so với khoản lãi vay phải trả như đã nói ở trên.
Chưa hết, tập đoàn này còn báo cáo các khoản đầu tư tài chính gần 45.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư nắm giữ ngắn hạn hơn 39.500 tỉ đồng, đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác khoảng 5.400 tỉ đồng… Song số lợi nhuận thu về cũng chỉ được hơn 2.000 tỉ đồng. Hiệu suất chỉ đạt có 4,4% chưa bằng gửi tiết kiệm kì hạn 6 tháng tại các ngân hàng.
Tất cả số liệu từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, đầu tư tài chính, kiểm soát dòng tiền của EVN thiếu hiệu quả. Đó là chưa nói đến khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá hơn 7.700 tỉ đồng vẫn đang treo lơ lửng trên đầu do đánh giá lại các khoản mục và dồn tích từ nhiều năm trước.
Không chỉ chi phí tài chính, các chi phí khác của EVN cũng đội lên nhiều so với năm 2017. Cụ thể, chi phí bán hàng năm 2018 hơn 6.700 tỉ đồng, năm trước là 6.500 tỉ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 13.300 tỉ đồng, tăng khoảng 10,2% so với năm 2017 (hơn 12.000 tỉ đồng).
Chi phí tài chính của EVN quá lớn Ảnh Chụp từ báo cáo tài chính
Tổng tài sản năm 2018 của EVN theo báo cáo hơn 706.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khoảng 6.800 tỉ đồng. Tỷ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) chỉ rơi vào khoảng 4,8% là khá thấp so với mức từ 10-20% của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác.
Dù thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của EVN chưa chi tiết, chưa cụ thể các khoản lãi, lỗ, song nó cũng cho thấy lợi nhuận chủ yếu của tập đoàn này đến từ doanh thu bán hàng (sản xuất kinh doanh bán điện). Trong khi, các hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả, chi phí lãi vay quá lớn, chi quản lý doanh nghiệp ngày một tăng cao; lỗ tỷ giá lớn…
Liệu đây có phải là một trong những lý do quan trọng khiến EVN phải tăng giá điện lên tới 8,36% vào tháng 3 năm 2019?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.