Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố.
Bà Hà dẫn số liệu tham khảo từ chuyên gia kinh tế cho thấy, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kWh/tháng trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1 kWh, tăng đến 15% so với bậc 6 của mức giá cũ, chứ không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.
Đối với bậc 3 (101 - 200 kWh), theo EVN là mức phổ biến, thì mức giá mới 2.014 đồng/kWh, tăng hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, chứ không phải 8,4% như EVN thông báo.
Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201 - 300 kWh) là 12,7%, và ở bậc 5 (301 - 400 kWh) là 14,2%.
“Như vậy, thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%, khác với 8,33 - 8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt”, bà Hà nói, và cho rằng “cách giải trình của EVN ẩn đi 1 lần tăng giá, làm cho phần trăm tăng giá thấp hơn”.
“Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội”, đại biểu Hà nói.
Cũng theo bà Hà, Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, nhưng lại chỉ tham khảo một nửa.
Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp điện với giá cạnh tranh. Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và tháng 8 để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai.
Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa. “Ta copy là phải có bậc thang, nhưng chính sách đi kèm thì ta chưa thể hiện được trong chính sách giá của mình”, đại biểu Hà so sánh.
Đồng ý việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng bà Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý, bởi bậc 1 ở mức dưới 50 kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện. Còn đến nay, khi đời sống đã cao hơn, bậc thang cũng cần được điều chỉnh.
Cần làm rõ có bù chéo giá điện hay không ?
Đại biểu Nguyễn Thu Hà cũng đề nghị làm rõ thắc mắc của cử tri trong việc có bù chéo giá điện hay không, bởi hiện có dư luận là người dân phải mua điện sinh hoạt giá cao bù cho giá điện công nghiệp giá thấp.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng nêu băn khoăn của cử tri về việc giá điện tăng và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán giá điện. “Kiểm toán thành công thì dùng tăng hay giảm người dân cũng cảm thấy minh bạch. Cái quan trọng nhất là lòng tin về sự minh bạch của chúng ta trong điều hành giá cả”, đại biểu Cầu nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán, có nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.
Theo đại biểu, việc điều hành giá để dư luận bức xúc thì cần xem xét lại.
Bình luận (0)