EVN vượt PVN trong cuộc đua chuyển giao 2 nhà máy điện “0 đồng”

Chí Hiếu
Chí Hiếu
02/05/2022 06:55 GMT+7

.

Trong văn bản mới nhất gửi Thủ tướng tuần trước, sau khi tổng hợp ý kiến các bộ, ngành liên quan, Bộ Công thương đã “chốt” EVN sẽ đứng ra tiếp nhận các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 để trình Thủ tướng quyết định.

Trước đó cả hai doanh nghiệp lớn nhất nước trong lĩnh vực năng lượng là Tập đoàn điện lực VN (EVN) và Tập đoàn dầu khí (PVN) đều đề xuất được tiếp nhận khiến các bộ, ngành tốn khá nhiều giấy mực để “chọn mặt gửi tên”.

Đây là 2 dự án lớn, do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thực hiện từ 2 thập niên trước, đã có đóng góp lớn cho nhu cầu năng lượng quốc gia. Cụ thể, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 với công suất 716,8 MW (đặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu) do các nhà đầu tư Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation thực hiện. Vốn đầu tư đã thực hiện cho dự án khoảng trên 380 triệu USD. Nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 1.3.2004, với thời hạn hợp đồng 20 năm, sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho phía VN sau khi kết thúc hợp đồng.

Dự án BOT Phú Mỹ 2.2 cạnh đó do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư với công suất 715 MW, vận hành năm 2005. Ngày 4.2.2025 là đến hạn chuyển giao cho phía VN cùng với điều kiện tương tự (không bồi hoàn).

Trong đề xuất nhận bàn giao, PVN cho đây là cơ hội tốt trong phát triển chiến lược sản xuất kinh doanh của mình vì với lợi thế nhà cung cấp khí, PVN sẽ sản xuất được điện với giá cạnh tranh, bởi chi phí nhiên liệu chiếm từ

70 - 80% trong chi phí sản xuất điện. Bên cạnh đó, PVN cũng hoàn toàn chủ động nguồn nhiên liệu cho 2 nhà máy vận hành ở mức cao nhất. Còn EVN thì cho hay họ là tập đoàn được Thủ tướng giao trách nhiệm chính trong đảm bảo cung cấp điện. Do đó, việc tiếp nhận sẽ tạo điều kiện bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Các nhà máy này lại nằm trong Trung tâm điện lực Phú Mỹ của EVN, đang dùng hạ tầng chung do EVN vận hành.

EVN cũng cho biết họ là đơn vị đang vận hành các nhà máy chạy khí tương tự cùng với 2 nhà máy Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Đồng thời, EVN đã tham gia với Bộ Công thương trong toàn bộ quá trình đấu thầu, đàm phán các hợp đồng dự án và thực hiện cả hai dự án BOT nói trên cho đến thời điểm hiện nay. Trong quá trình thực hiện 2 dự án này, EVN được giao nhận trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh không phải do lỗi của EVN. Do vậy, việc giao EVN quản lý vận hành các nhà máy trên đảm bảo đầy đủ kinh nghiệm và tính liên tục trong quản lý vận hành các nhà máy.

Bộ Công thương đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương giao EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. Sau khi hoàn tất tiếp nhận và chuyển giao, đề nghị Thủ tướng đồng ý hình thức xử lý tài sản chuyển giao là ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.