Theo đó, cổ đông Eximbank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức là 20.2. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
Với hơn 1,229 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Vào kỳ đại hội đồng thường niên năm 2021, cựu Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Yasuhiro Saitohcho thông tin năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC. Sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% trong năm 2023, vốn điều lệ của Eximbank lên 14.814 tỉ đồng.
Lần chia cổ tức gần nhất của Eximbank thực hiện vào năm 2014 cho cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt ở mức 4%. Năm 2011, Eximbank là một trong những ngân hàng nhóm trên có vốn điều lệ lớn. Thế nhưng sau nhiều năm "nội chiến" giữa các nhóm cổ đông, nhà băng này đã tụt hạng rất xa. Mới nhất, 16.1 Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 nhưng cũng không thành công. Một số nội dung dự kiến được đưa ra thảo luận gồm bầu bổ sung thành viên HĐQT sau khi một số thành viên từ nhiệm; giữ lại bất động sản 242 Bình Thới, P.10, Q.11, TP.HCM; tranh chấp hợp đồng thuê tại số 21 Kỳ Đồng và hạch toán giá trị còn lại của công trình vào chi phí năm 2022 vì thế vẫn chưa ngã ngũ.
Bình luận (0)