F0 chờ thuốc

Mai Hà
Mai Hà
19/12/2021 07:15 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhắc các quận, huyện “không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc”. Nhưng thực tế đã có F0 nhiều ngày không liên hệ được với y tế phường phải viết đơn cầu cứu, hay F0 phải tự mua thuốc điều trị.

Hai bệnh nhân Covid-19 tại 2 quận của Hà Nội cho biết chưa nhận được thuốc cấp phát. Để tự điều trị tại nhà, họ mua thuốc hạ sốt và tìm mua thuốc đặc trị kháng vi rút đang rao bán giá 3 - 5 triệu đồng/hộp trên mạng xã hội.

Sở Y tế Hà Nội ngày 7.12 đã có văn bản khẩn phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị tại nhà với người nhiễm Covid-19, cho 30 quận, huyện, thị xã của TP, tương ứng mỗi địa phương nhận được 200 túi. Mỗi túi thuốc gồm 2 loại là thuốc hạ sốt Paracetamol và vitamin C, do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ủng hộ.

Trong khi đó, chỉ tính từ ngày 7.12 tới chiều tối 18.12, TP ghi nhận thêm 11.703 ca Covid-19 mắc mới. Số lượng 6.000 túi thuốc trên chỉ mới đáp ứng được 1/2 số ca mới ghi nhận trên, đồng nghĩa với đó, là rất nhiều F0 điều trị tại nhà vẫn phải tự mua thuốc điều trị.

Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi, gồm 3 nhóm thuốc A, B, C. Song đại diện một trạm y tế phường cho biết mới chỉ được nhận Paracetamol và vitamin C (nhóm A) để cấp phát cho F0 tại nhà, mà không có các thuốc trong nhóm B, C.

Đáng chú ý, TP cũng đã hướng dẫn sử dụng thuốc kháng vi rút Monulpiravir với F0 thể nhẹ tại nhà, trạm y tế, cơ sở thu dung điều trị F0... Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội cho hay Bộ Y tế mới chỉ cấp phát cho TP 5.000 liều điều trị Monulpiravir. Vì số lượng ít ỏi, nên số thuốc này dù chỉ định điều trị cho F0 thể nhẹ, nhưng hiện đang được dành lại cho các bệnh nhân nguy cơ và chuyển nặng.

Dù F0 tại Hà Nội theo thống kê khoảng 80% có triệu chứng nhẹ, song số ca F0 không ngừng tăng vọt đang gây ra nhiêu hệ lụy quá tải lên y tế tuyến cơ sở, cũng như gây áp lực lên các bệnh viện tầng 2. Các chuyên gia y tế đều cho rằng để tránh quá tải cho hệ thống y tế chung, Hà Nội phải phân luồng hợp lý, giữ F0 thể nhẹ tại nhà và y tế cơ sở (trạm y tế, cơ sở thu dung của quận, huyện), chỉ chuyển viện với các F0 nguy cơ và trung bình, nặng. Lý thuyết là vậy, song để F0 có thể yên tâm ở nhà điều trị, ngoài cần sự sát sao của các nhân viên y tế tuyến cơ sở trong theo dõi hướng dẫn điều trị, còn rất cần đủ thuốc điều trị để cung cấp cho người bệnh kịp thời.

Thêm quận trung tâm Hà Nội bất ngờ nâng cấp độ dịch Covid-19 thành “vùng cam”

Nhìn từ bài học TP.HCM và các tỉnh phía nam giai đoạn cao điểm dịch cho thấy, việc cấp phát túi thuốc cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà có vai trò quan trọng để “chia lửa” cho các bệnh viện tầng 2, tầng 3, dành giường cho bệnh nhân nặng để giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Dự báo số ca mắc mới của Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhắc các quận, huyện “không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc”. Nhưng thực tế đã có F0 nhiều ngày không liên hệ được với y tế phường phải viết đơn cầu cứu, hay F0 phải tự mua thuốc điều trị. Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, mà trước mắt phải tăng cường nhân lực cho y tế tuyến cơ sở cũng như huy động các nguồn lực để đảm bảo thuốc điều trị cho F0, tránh tình cảnh F0 mỏi mòn chờ thuốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.