F0 điều trị tại nhà chậm được cấp phát thuốc Molnupiravir

Duy Tính
Duy Tính
12/11/2021 05:30 GMT+7

Một số F0 cách ly tại nhà phản ánh y tế địa phương chậm đến nhà hướng dẫn theo dõi sức khỏe , cũng như cấp thuốc Molnupiravir kháng vi rút, chỉ đến khi người dân đặt vấn đề thì mới được trạm y tế cấp phát loại thuốc này.

Do nhiều thủ tục ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, trưởng một trạm y tế (TYT) đang quản lý gần 1.000 F0 cho biết do số lượng F0 tăng nhanh nên công việc nhiều. Thuốc Molnupiravir TYT không được cấp sẵn nên khi có ca bệnh thì mới làm đề xuất dự trù lên Trung tâm y tế quận, huyện, sau đó mới được cấp xuống. Người dân muốn được cấp phát Molnupiravir phải ký cam kết; cán bộ y tế phải rà soát lại xem F0 có chống chỉ định sử dụng hay không. Sau đó, trung bình 2 ngày mới có thuốc cho người dân. TYT này hiện đã cấp phát thuốc Molnupiravir cho 70% ca F0 và đang đẩy mạnh cấp phát cho F0 mới.

Trưởng một TYT khác thì lý giải, đối với một ca F0 mới, phải làm nhiều thủ tục, trong đó có cam kết sử dụng thuốc Molnupiravir (thuốc thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế nên phải có cam kết sử dụng - PV). Người ít nhưng công việc nhiều, nên có khi nhân viên ngại làm thủ tục dẫn đến Molnupiravir được cấp ít. Mặt khác, cơ số thuốc Molnupiravir TYT được cấp cũng ít.

Covid-19 sáng 12.11: Nhiều ca tử vong dù đã tiêm 2 mũi vắc xin | Việt Nam vượt 1 triệu ca nhiễm

Bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cũng thừa nhận có việc chậm cấp phát thuốc Molnupiravir kháng vi rút. BS Nga dẫn chứng, H.Hóc Môn trước đây có hơn 6.000 ca F0 cách ly tại nhà nhưng chỉ nhập dữ liệu hơn 3.000 ca và cấp chỉ có vài chục ca, sau khi HCDC làm việc thì đã đẩy mạnh cấp thuốc này. Ngoài ra, có nhiều F0 gọi nhưng y tế địa phương không nghe máy.

Thuốc Molnupiravir được trạm y tế lưu động cấp phát cho F0 tại nhà

DUY TÍNH

Trong vòng 24 giờ phải cấp thuốc cho F0

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thực tế đã chứng minh việc tổ chức chăm sóc và cung cấp thuốc điều trị cho người F0 theo phác đồ: gói thuốc A (các vitamin), B (kháng viêm, kháng đông) và C (Molnupiravir) đã góp phần giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Sở Y tế nhận được những phản ánh bức xúc của người dân qua đường dây nóng. Theo đó, người dân tự xét nghiệm và có kết quả dương tính nhưng không liên hệ được TYT để được tư vấn, cấp phát túi thuốc điều trị Covid-19.

Trước thực trạng này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Giám đốc Trung tâm y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường phổ biến, kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc và quản lý F0 cách ly tại nhà do TYT và TYT lưu động thực hiện. Ông yêu cầu tất cả các F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị Covid-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đặc biệt, lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (F0 có triệu chứng nhẹ và ký cam kết sử dụng). Không sử dụng Mulnopiravir cho phụ nữ mang thai và cho con bú; người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mạn tính. Mặt khác, phải ngưng sử dụng Molnupiravir khi cần thiết sử dụng thuốc kháng viêm, chống đông.

2% người về từ vùng dịch dương tính Covid-19

Không thể chấp nhận người bệnh không được cấp thuốc

Tại cuộc làm việc với H.Hóc Môn vào ngày 7.11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, không thể chấp nhận người nhiễm Covid-19 gọi không ai bắt máy; không thể chấp nhận người bệnh không được cấp thuốc dù thuốc kháng vi rút có trong kho. Theo ông Nên, ý kiến các chuyên gia là thuốc kháng vi rút là rất quan trọng vì giảm bệnh nặng, giảm nhập viện, giảm tử vong.

Người đứng đầu Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả TYT phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà cho F0; tiếp nhận danh sách F0 do các nơi chuyển đến hoặc người dân tự khai báo sau khi tự thực hiện xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Ngoài ra, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong trường hợp người dân không liên hệ được số điện thoại đường dây nóng để được hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh tại nhà cho F0.

“Sở Y tế đang triển khai 10 đoàn kiểm tra việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm tra công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà trên địa bản quận, huyện và TP.Thủ Đức, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cá nhân không tuân thủ theo quy định”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Sở Y tế cũng cho biết đang phối hợp với Công an TP.HCM giám sát, kiểm tra đột xuất các đơn vị sử dụng Molnupiravir và xác minh ngẫu nhiên các F0 có cam kết có sử dụng. Việc làm này nhằm tránh việc sử dụng thuốc sai đối tượng cũng như ngăn ngừa tiêu cực. Những ngày gần đây, trên địa bàn TP.HCM đã gia tăng trở lại số ca F0 và tử vong. TP.HCM đang quản lý, chăm sóc khoảng 55.000 ca F0; trong đó có khoảng 11.600 ca đang điều trị tầng 2, 3; 4.200 ca đang cách ly tập trung và khoảng 39.000 ca cách ly tại nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.