Thông tin trên đã được tờ The Wall Street Journal (WSJ) hôm 5.7 dẫn lại từ nội dung một lá thư đề ngày 25.6 của Liên minh Internet châu Á (trụ sở tại Singapore), hiệp hội thương mại đại diện các hãng công nghệ, trong đó có bộ ba gã khổng lồ là Facebook, Google và Twitter.
Trong thư, Liên minh Internet châu Á bày tỏ quan ngại về việc Hồng Kông chuẩn bị đưa vào áp dụng các điều khoản nhằm tăng cường việc quản lý sử dụng internet tại đặc khu.
Theo luật mới, các hãng công nghệ và nhân viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm trong trường hợp người dùng tiết lộ thông tin của các cá nhân, chẳng hạn như tên thật, địa chỉ nhà hoặc nơi làm việc, lên mạng mà không được sự đồng ý của họ.
Trong giai đoạn xảy ra phong trào biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông từ năm 2019-2020, một tổ chức ghi nhận tổng cộng 5.400 vụ tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Trong số này, 38% số trường hợp liên quan cảnh sát và thân nhân và 30% liên quan người ủng hộ cảnh sát hoặc chính quyền Hồng Kông.
Tháng 5, Văn phòng phụ trách Hiến pháp và Các vấn đề Đại lục Hồng Kông đề xuất điều chỉnh luật nhằm ngăn chặn tình trạng tiết lộ thông tin. Theo luật mới, nhân viên của các hãng công nghệ nước ngoài sẽ bị bắt và phải hầu tòa nếu phía công ty không ngăn chặn người dùng tiết lộ thông tin cá nhân của người khác.
“Cách duy nhất để tránh bị trừng phạt là ngừng hoạt động đầu tư và ngưng cung cấp dịch vụ tại Hồng Kông”, theo WSJ dẫn cảnh báo trong thư.
Bình luận (0)