Chính quyền Mỹ đã hoãn phiên tòa nhằm buộc Apple phải giúp bẻ khóa chiếc iPhone 5C của thủ phạm vụ khủng bố ở San Bernardino, tuyên bố FBI có thể đã tìm ra cách bẻ khóa mà không cần Apple nữa.
Người biểu tình Mỹ chống lại việc FBI đòi "đột nhập" vào điện thoại iPhone - Ảnh: Reuters |
Apple xác nhận thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đã hoãn phiên tòa kể trên, lẽ ra được xử trong ngày hôm nay, 22.3 với mục tiêu buộc Apple bẻ khóa chiếc iPhone của Rizwan Farook, một trong 2 thủ phạm đã xả súng trong vụ khủng bố San Bernardino (bang California, Mỹ) hồi tháng 12 năm ngoái. 14 người thiệt mạng trong vụ này.
Sau khi thu giữ điện thoại của Farook, chính quyền Mỹ liên tục gây sức ép buộc iPhone phải bẻ khóa điện thoại để họ có thể xem được các thông tin lưu trữ bên trong, tìm hiểu xem Farook có cấu kết với một mạng lưới khủng bố nào không cùng các thông tin khác có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân Mỹ. Nhưng Apple từ chối, cho rằng điều này đặt ra “một tiền lệ nguy hiểm”. Đó là lý do Apple bị chính phủ Mỹ lôi ra tòa.
Nhưng nay Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đã nhờ được một bên thứ ba “bên ngoài” để bẻ khóa chiếc iPhone, có thể không cần đến Apple nữa.
Các công tố viên nói rằng đối tác này đã chứng minh có thể tìm ra cách bẻ khóa chiếc iPhone. Tuy nhiên, đây chưa phải là thông tin cuối cùng mà còn phải qua quy trình thử nghiệm nữa mới biết phương pháp của đối tác “bên ngoài” có hữu hiệu hay không.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ Melanie Newman tuyên bố chính phủ Mỹ đang “lạc quan trong thận trọng” về khả năng bẻ khóa của phương pháp kể trên.
Chính quyền Mỹ cho rằng việc xem được các thông tin trong điện thoại của kẻ khủng bố giúp bảo vệ người Mỹ an toàn hơn. Trong ảnh là tang lễ của một nạn nhân vụ khủng bố San Bernardino - Ảnh: Reuters
|
Được biết điện thoại của Farook cài mật khẩu và cách duy nhất để tiếp cận được các thông tin bên trong là nhập đúng nó, thứ Apple cũng không biết vì do chính người dùng cài. Nếu nhập sai mật khẩu nhiều lần, toàn bộ dữ liệu bên trong sẽ bị xóa theo lập trình sẵn để bảo vệ thông tin của người dùng. Chính vì vậy FBI không dám sử dụng phương pháp đoán mật khẩu liên tục. FBI đã yêu cầu Apple viết một phiên bản phần mềm mới, cập nhập lên chiếc iPhone 5C kể trên để vô hiệu hóa tính năng tự động xóa dữ liệu, từ đó FBI có thể sử dụng phương pháp đoán mật khẩu kể trên cho tới khi thành công.
Tuy nhiên Apple cho rằng điều này sẽ là tiền lệ để chính quyền Mỹ buộc các hãng công nghệ phải đáp ứng yêu cầu của họ trong tương lai, vi phạm quyền riêng tư của khách hàng iPhone.
Theo BBC, hãng Apple nhận được sự ủng hộ của hàng loạt “đại gia công nghệ” khác, bao gồm Google, Microsoft, và Facebook.
Bình luận (0)