Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ.
Theo Fitch, xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vẫn ở mức cao nhất là AAA. Tuy nhiên, họ sẽ đưa nước này vào diện "theo dõi hạ bậc", do bế tắc trong đàm phán
trần nợ hiện tại khiến Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo họ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động vào ngày 1.6 tới, gây ra tình trạng vỡ nợ. Trong trường hợp Mỹ vỡ nợ, các chuyên gia cho rằng
kinh tế toàn cầu sẽ chao đảo và xảy ra suy thoái. Lãi suất đi vay của chính phủ và người dân Mỹ sẽ lên cao. Tăng trưởng kinh tế thế giới cũng sẽ bị kéo tụt.
Các cuộc đàm phán giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ về nâng trần nợ công không mang lại kết quả vì hai bên có quan điểm khác biệt trong vấn đề này.
Trước đây, năm 2011, Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ chỉ 2 ngày trước thời hạn mà Bộ Tài chính Mỹ ước tính ngân sách sẽ cạn kiệt. Khi đó, các thị trường tài chính trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
2011 cũng là năm đầu tiên và duy nhất Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm. Khi đó, S&P hạ xếp hạng của nước này từ mức cao nhất là AAA xuống AA+. Hơn một thập kỷ sau, S&P vẫn duy trì mức xếp hạng này.
Bình luận (0)