Theo ghi nhận của Thanh Niên, đến 13 giờ 30 chiều 10.9, dù nước đang rút, nhiều khu vực tại TP.Thái Nguyên vẫn chìm trong nước, có nơi ngập sâu đến hơn 2 m.
[FLYCAM] Toàn cảnh lũ lịch sử ở Thái Nguyên: Nước chưa rút đã hứng mưa lớn
Cùng hướng về TP.Thái Nguyên, anh Hoàng Huy Võ (33 tuổi, trú TP.Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết, từ chiều 9.9, nhận thông tin nhiều khu vực trên địa bàn TP.Thái Nguyên bị ngập lụt, anh cùng nhóm bạn đã rủ nhau huy động xe tải, thuyền đến hỗ trợ người dân.
"Từ chiều qua đến nay, chúng tôi chia làm 2 kíp, 1 kíp lái thuyền chở người dân từ vùng ngập ra nơi an toàn và kíp còn lại lái xe tải hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, đồ dùng thiết yếu vào cho bà con", anh Võ nói, và cho hay, mọi hoạt động của nhóm đều là tự nguyện và vì "đồng bào ta".
Hiện công tác cứu trợ, tiếp tế người dân bị cô lập bởi nước lũ vẫn tiếp tục được triển khai
Đường Dương Tự Minh đi qua địa bàn 3 phường Tân Long, Quán Triều, Quang Vinh (TP.Thái Nguyên) bị chia cắt thành nhiều đoạn, có nơi ngập sâu gần 2 m, phải di chuyển bằng thuyền bè. Nhiều khu vực ngập sâu bị cắt điện, sóng điện thoại bị ảnh hưởng.
Ngoài đoàn của anh Võ, tại địa bàn TP.Thái Nguyên, PV Thanh Niên cũng bắt gặp rất nhiều đoàn cứu trợ đến từ các huyện lân cận của tỉnh Thái Nguyên và các địa phương khác. Các đoàn mang theo nhiều áo phao, sữa, mì tôm, nước để phục vụ người dân vùng rốn lũ.
Nhiều khu vực nước vẫn ngập mái nhà tầng 1
Ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6.9 đến nay, tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm giông, lốc. Mưa lớn từ thượng lưu sông Cầu tại tỉnh Bắc Kạn kết hợp với mưa lớn ở tỉnh Thái Nguyên khiến mực nước sông Cầu dâng cao, gây ngập lụt tại một số phường, xã trên địa bàn TP.Thái Nguyên.
Mưa lũ cũng khiến nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập; hơn 200 nhà dân bị tốc mái, 44 điểm trường bị ngập, 31 điểm bị sạt lở, hơn 3.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại và hơn 5.000 hộ dân phải di dời. Dù chưa ghi nhận thiệt hại về người, song thiệt hại tài sản ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Để kịp thời ứng phó với mưa lũ, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương cùng phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết để gia cố đê sông Cầu tại 5 vị trí khu vực TP.Thái Nguyên với tổng chiều dài khoảng 170 m. Đồng thời, bố trí lực lượng túc trực tuần tra, canh gác.
Nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Thái Nguyên
Cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng dân sự, công an, quân đội cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 1, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 12) và các đơn vị đóng trên địa bàn tham gia ứng phó, khắc phục thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu Thấp thỏm mong tin 8 nạn nhân mất tích
Trong đêm 9.9, Công an tỉnh Thái Nguyên đã huy động hơn 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 1.000 phương tiện tuần tra, cứu hộ, chở quân; 100 xuồng máy, xuồng cao su và hơn 500 áo phao, phao cứu sinh cùng thuốc men để sơ tán, di dời được 2.364 hộ với khoảng hơn 10.000 người, trong đó có nhiều người già, trẻ em, đến nơi an toàn.
Bình luận (0)