Formosa phải coi môi trường là vấn đề sống còn

25/07/2017 06:11 GMT+7

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc đảm bảo môi trường tại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (đóng tại TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hôm qua 24.7.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, đến cuối tháng 10.2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phục vụ lò cao số 1 và các công trình phụ trợ (nhiệt điện, luyện cốc, luyện cán thép...) của Formosa (FHS) đã hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn VN. Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài (Atkins của Anh và Veolia của Pháp) do Bộ TN-MT mời khảo sát thực tế tại FHS, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính. Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hiện FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường), FHS đã hoàn thành thăm dò địa chất, đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô của Công ty Nippon Steel (Nhật Bản). Dự kiến tháng 3.2019 sẽ hoàn thành công nghệ cốc khô số 1, tháng 6.2019 hoàn thành công nghệ cốc khô 2 theo cam kết với Chính phủ VN. Để kiểm soát các thông số môi trường trong nước tuần hoàn đập cốc, trong giai đoạn chờ chuyển sang hệ thống công nghệ cốc khô, FHS sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 trạm xử lý nước tuần hoàn đập cốc, với công suất 12.000 m3/ngày/trạm, bảo đảm đạt quy chuẩn VN trước khi tái sử dụng.
FHS đã phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD.
Báo cáo với Thủ tướng tại chuỗi hồ xử lý sinh học của FHS, đại diện FHS cho biết hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ xử lý sinh học gồm hồ sau xử lý, bãi lọc trồng cây, hồ chỉ thị sinh học... với tổng diện tích khoảng 10 ha, giám sát bằng 11 camera vừa được hoàn thành và đưa vào vận hành. Theo đó, nước thải sinh hóa và công nghiệp sau khi đạt tiêu chuẩn sẽ được bơm qua hồ sau xử lý. Từ hồ sau xử lý, nước sẽ chảy qua chuỗi hồ xử lý sinh học. Tại chuỗi hồ này sẽ có các kênh và được thả các loại cá giúp cải thiện chất lượng nước. Sau đó, nước sẽ được trạm bơm đưa ra trạm quan trắc tự động hoạt động 24/24 giờ. Khi quan trắc, các giá trị đạt tiêu chuẩn sẽ được xả thải ra môi trường. Hiện tại, ở trạm quan trắc tự động, các tín hiệu đạt truyền sẽ truyền về Sở TN-MT Hà Tĩnh và Bộ TN-MT.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành phải kiểm tra một cách chủ động quá trình xử lý nước thải tại hồ xử lý sinh học của công ty này trước khi xả thải ra môi trường.
Tiếp đó, đoàn đã đến kiểm tra quá trình vận hành của lò cao và xưởng luyện thép. Tính đến 20.7, FHS đã cho ra lò 32 vạn tấn gang lỏng, 26 vạn tấn phôi thép để sản xuất ra 20 vạn tấn thép thương phẩm các loại như: thép cuộn cán nóng, thép dây cuộn... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra tình hình hoạt động của cảng nước sâu Sơn Dương. Đến nay, FHS đã xây dựng 11 bến tàu, độ sâu của luồng tàu và bến tàu đạt 21 - 23,5 m, đáp ứng được tàu trọng tải 20 vạn tấn vào cảng bốc dỡ hàng hóa.
FHS đã hoàn thành lò cao số 2, đang tiến hành điều chỉnh thiết bị, dự kiến khoảng 6 - 8 tháng nữa sẽ đủ điều kiện đi vào vận hành. FHS đang xin phép Bộ TN-MT phê duyệt và cho phép vận hành thử nghiệm vào nửa đầu năm 2018.
Sau khi kiểm tra công tác đảm bảo môi trường tại FHS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo Công ty FHS. Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng khắc phục nghiêm túc của FHS như việc nhận lỗi trước nhân dân, đền bù hậu quả, khắc phục 52/53 lỗi, chuyển công nghệ từ dập cốc ướt sang dập khô. Đến nay, những mẻ thép đầu tiên đã ra lò với điều kiện môi trường cơ bản được khắc phục. Điều này vừa thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư, vừa khẳng định được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp với doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu FHS tiếp tục hoàn thiện, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để khắc phục 100% vi phạm, nâng công suất nhà máy phải đi liền với bảo vệ môi trường, coi môi trường là vấn đề sống còn của dự án và ý thức này phải được quán triệt trong toàn công ty với tinh thần “không an toàn, không sản xuất, nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa”.
Thủ tướng giao Bộ TN-MT trực tiếp chịu trách nhiệm đặt các thiết bị quan trắc, tăng cường năng lực cán bộ để đảm bảo nhiệm vụ giám sát; công khai chất lượng môi trường cho nhân dân nắm bắt; Bộ Y tế gấp rút kiểm nghiệm, sau 15 ngày nữa công bố chỉ tiêu chất lượng hải sản tầng đáy tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bộ NN-PTNT phải ban hành kế hoạch sinh kế đối với vùng ven biển các tỉnh miền Trung.
Sự cố môi trường ở miền Trung bắt đầu từ tháng 4.2016. Đến ngày 28.6.2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường; đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của VN với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỉ đồng (500 triệu USD).
Ngọc Minh (tổng hợp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.