G20 sẽ 'nhường' Tổng thống Donald Trump về mặt thương mại?

17/03/2017 16:46 GMT+7

Hãng tin CNN vừa có bài báo phân tích về việc liệu các nền kinh tế lớn nhất thế giới có 'nhường' Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thương mại hay không.

Hiện tại, có rất ít vấn đề mà đại diện các nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thuận. Tự do thương mại và sự nguy hiểm của chủ nghĩa bảo hộ là hai trong số nhiều vấn đề lớn.
Lúc này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang chuẩn bị để gặp gỡ, đàm phán với các nhà đồng cấp của nhóm các nền kinh tế lớn G20. Các cuộc thảo luận có thể thể hiện nhiều bất đồng cơ bản về nguyên tắc củng cố hoạt động thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong nhiều năm qua.
Hiện khó dự đoán kết quả cuộc họp sẽ được tổ chức trong hôm nay 17.3 và ngày mai tại Đức. Những năm qua, thành viên các nước G20 cam kết “chống tất cả những hình thức bảo hộ” và kiềm chế việc cố ý hạ giá nội tệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không cam kết điều tương tự. Ngược lại, ông thực hiện chính sách “American first” trong vấn đề thương mại. Ông cáo buộc Trung Quốc, một thành viên của G20, là “nhà vô địch thao túng tiền tệ vĩ đại”, dọa tái đàm phán thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, người sẽ chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng tài chính, cho rằng bộ trưởng các nước G20 có thể sẽ phải bỏ qua chủ đề thương mại, để Tổng thống Trump và các lãnh đạo khác xử lý vấn đề nóng này trong các cuộc họp tương lai.
“Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có thể chúng tôi sẽ loại chủ đề thương mại”, ông Schaeuble nói. Việc Nhà Trắng đe dọa áp dụng chính sách bảo hộ mới và áp thuế quan biên giới làm đau đầu nhiều nước phụ thuộc thương mại với Mỹ. Nền kinh tế số một thế giới nhập khẩu khoảng 2.700 tỉ USD hàng hóa, dịch vụ hằng năm từ các nước G20 như Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản và Đức.
Nhà kinh tế Paul Donovan của hãng UBS Wealth Management cho biết: “Nếu G20 thất bại trong việc cam kết tự do thương mại, tôi sẽ xem đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ ít nhất là đang nghiêm túc trong một số quan điểm bảo hộ. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặc trong chính sách toàn cầu, một tương lai thế giới địa phương hơn, ít toàn cầu hóa hơn”.
Hiện không rõ ông Mnuchin sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán ra sao, nhưng đến thời điểm này, cựu đối tác ngân hàng Goldman Sachs sử dụng ngôn ngữ trung lập về mặt thương mại. Tổng thống Mỹ từng cam kết Bộ Tài chính sẽ chính thức gán mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên ông nhậm chức, song ông Mnuchin cho hay hồi tháng 2 rằng chính quyền Mỹ chưa đưa ra quyết định nào về tiền tệ Trung Quốc.
Quan điểm về thương mại cũng có thể được thảo luận vào hôm nay khi ông Trump dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Washington (Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.