Theo Đài NHK, phiên họp đầu tiên diễn ra vào buổi trưa, trong đó các nhà lãnh đạo thảo luận về "một xã hội hợp tác quốc tế", trao đổi quan điểm về nền kinh tế toàn cầu, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cùng các chủ đề khác. Trọng tâm là phiên họp thứ hai, nơi các lãnh đạo bàn bạc về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Sau đó, hội nghị ra một tuyên bố riêng về Ukraine, tái khẳng định cam kết ủng hộ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao dành cho Ukraine đến chừng nào còn cần thiết. Các nhà lãnh đạo nhất trí áp đặt thêm lệnh cấm vận lên Nga và các bên ủng hộ chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. G7 nhấn mạnh không thể đạt được hòa bình nếu Nga chưa rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện khỏi Ukraine. "Điều này phải được kèm theo bất kỳ lời kêu gọi hòa bình nào", tuyên bố nêu.
G7 sắp cấm vận kim cương Nga?
Phát biểu bên lề hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói lợi ích của Liên minh châu Âu (EU) là duy trì hợp tác ổn định và xây dựng với Trung Quốc. Đồng thời, ông cho biết EU sẽ kêu gọi Trung Quốc tăng sức ép để Nga chấm dứt hành động quân sự tại Ukraine. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ các nhà lãnh đạo dự kiến ra tuyên bố với một phần cụ thể về Trung Quốc, gồm nhiều vấn đề như cưỡng ép kinh tế đến các hành vi khác.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản tuyên bố cực kỳ quan ngại về những tín hiệu của các động thái tiêu cực liên quan Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G7, đồng thời kêu gọi Tokyo không biến hội nghị thành "sô diễn chính trị" chống lại Bắc Kinh.
Trong diễn biến liên quan, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov hôm qua xác nhận Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đến Hiroshima dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vì "sự hiện diện trực tiếp là điều tuyệt đối quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia", theo AP.
Bình luận (0)