Ga Huế và những chuyến ‘tàu chợ’

30/11/2020 09:28 GMT+7

Lần nào vô Huế, tôi cũng ở lại một đêm để thức. Và chắc chắn chỉ có một chỗ ở cố đô có thể thức trọn đêm là ga Huế, nơi ta có thể ngồi tự nhiên thâu đêm không sợ bị dị nghị bất cứ điều gì.

Giống như một kẻ bị trễ tàu, hoặc đợi một chuyến tàu, hoặc chờ đón một ai đó. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, không khách sáo, như Huế.
Không gian bên ngoài cửa ga không quá rộng nhưng đủ thoáng. Những quán nước men theo lối đi vào ga cũng thật đơn sơ, mấy cây cổ thụ xòa tán ra, gợi nhớ không gian một gốc đa xưa và cô hàng nước áo nâu mỉm cười. Dưới tán, vài bác xích lô nằm gác chân, khoanh tay nằm ngủ mặc kệ sự đời.
Gió từ sông Hương thổi lên, gió từ Nguyệt Biều tràn xuống, gió từ Nam Giao thoảng về. Đêm ga Huế dù mùa nào cũng cảm giác se lạnh. Nhưng chỉ vài cây đèn dầu hỏa thắp lên là đủ ấm áp, tạo chút ảo huyền hoài cổ. Không nhiều nơi, nếu không muốn nói là chỉ ở Huế, nhà ga được giữ nguyên kiến trúc từ thời Pháp. Rất nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp nay vẫn được sử dụng làm các trụ sở, nơi tham quan ở cố đô. Bởi lẽ đó, ga Huế là một phần tạo nên chỉnh thể kiến trúc mà chính nó làm nơi bắt đầu.
Đèn dầu hỏa ở ga Huế không phải chỉ làm điệu cho kiến trúc nhà ga, mà nó để cho những người hút thuốc lào. Giấy được gấp kiểu xếp quạt để làm đóm mồi châm vào ngọn lửa đèn dầu. Riêng món thuốc lào không phải là đặc sản xứ Huế. Nhưng dân bụi luôn đồng nhất khái niệm đã lên ga Huế là phải hút thuốc lào. Chủ quán bưng ra một khay trà Bắc ủ nóng. Cái ấm, cái chén uống trà cũng là loại đồ xưa, có khi sứt mẻ ố vàng. Cầm cái chén đó uống trà mới thú vị.
Nhấp xong chén trà, bóc thêm một cái kẹo mè thả vào miệng. Vị ngọt vừa đủ của mật đường, thêm chút bùi của mè, hòa với cái chát của trà và lâng lâng say thuốc lào, rất đã.
Thỉnh thoảng vang lên một hồi còi tàu vào ga, rồi tiếng loa thông báo, lục tục những bước chân hành khách xuống tàu. Đêm ở đây không ai cô đơn. Vì những âm thanh đó vừa có chút hoang hoải, vừa có chút tín hiệu của sự sống dịch chuyển, khiến người ta phải suy tư về những cuộc đi - đến, những chia tay - hội ngộ, những chờ đợi - bất ngờ.
Khuôn viên ở bến ga Huế không chỉ là nơi dành cho khách đi tàu, mà nó trở thành điểm hội tụ. Và thực tế thì người ngồi chỗ này phần lớn là khách đến chơi, không dính dáng gì tới chuyện tàu xe. Buổi đầu, những người bán giải khát và ăn nhẹ ở đường vào ga Huế không ngờ được điều đó. Những nhà ga khác cũng không có được điều này.
Ga Huế dễ đến, dễ ngồi nhưng cũng dễ đi, nên nhiều khi tôi nghĩ muốn có một chỗ chơi không vướng bận, một chỗ thư giãn chỉ cần nhảy lên tàu vô Huế trong đêm. Xuống tàu cũng không phải đi đâu xa, chỉ cần kéo ghế kêu nước trà thuốc lào, ngồi ở đấy vài ba tiếng chờ chuyến tàu đi ngược lại về nhà. Thế là có một chuyến du lịch trong đêm.
Mà phải đi chuyến tàu đặc biệt là “tàu chợ” mới đúng. Đấy là các chuyến tàu ĐH 41,
ĐH 42 nối ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế, mỗi ngày một lượt đi về. Lượt đi từ Huế lúc tờ mờ sáng, lượt về đến Huế tầm tám giờ tối. Quãng đường chưa đầy hai trăm cây số nhưng có đến hai chục ga đỗ. Tàu chạy cỡ chục cây số là đến một trạm dừng, có khi mới chạy được một đoạn ngắn cũng phải dừng để nhường cho đoàn tàu Thống Nhất. Cứ túc tắc chậm rì mà sinh viên lại rất thú cái kiểu nhẩn nha đó.
Mười, hai mươi năm trước sinh viên các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị hầu hết đi chuyến tàu này để vào Huế học. Tàu chỉ có 6 toa. Mỗi toa bố trí hai dãy ghế gỗ dọc hai bên phía cửa sổ toa, chừa ở giữa một lối đi khá rộng. Sinh viên đi tàu thường mang theo rau gạo mắm muối, thậm chí cả gà vịt còn sống. Người buôn bán vặt trên tàu cũng đông, có khi đông hơn cả hành khách. Khoang tàu ồn ào như một cái chợ, nên nó được gọi là… "tàu chợ". "Tàu chợ", cùng với ga Huế đã trở nên thân thuộc với giới sinh viên ở đây.
Năm 2014, "tàu chợ" ngưng hoạt động, chắc vì tàu chạy quá chậm so với các phương tiện khác nên khách không đi. Thỉnh thoảng nhớ về thời sinh viên, chúng tôi thường nhớ về những chuyến "tàu chợ" ì ạch, chậm rãi nhưng cũng thật dễ thương vì nó như chở cái nỗi bộn bề, gian khó của vùng đất. Chuyến "tàu chợ" là hành trình nối Bình - Trị - Thiên mỗi ngày, đưa đón biết bao nhiêu sinh viên sĩ tử vào kinh dùi mài kinh sử.
May thay ga Huế thì vẫn còn, vẫn giữ nét cổ kính của mấy chục năm trước. Để mỗi khi về Huế, ngồi ở ga buổi khuya khoắt bên ngọn đèn dầu, khói đèn cứ nhòe mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.