Gã ‘khùng’ Nguyễn Hàng Tình đau đáu với đại ngàn trong ‘Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa’

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/02/2022 12:27 GMT+7

Chỉ vỏn vẹn gần 300 trang bút ký nhưng "gã khùng" Nguyễn Hàng Tình của Đà Lạt sương khói đã đưa người đọc đi qua nhiều miền trầm tích của văn hóa vùng đất cao nguyên, trong nỗi đau đáu sự mất còn giữa thời hiện đại.

Nếu như trước đây với ký sự Giã biệt hoang vu (Phương Nam Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành), từng được trao giải Sách Hay 2013 ở hạng mục Phát hiện mới khi Nguyễn Hàng Tình đào sâu về phận người thăm thẳm nơi núi rừng, về sự mất kết nối giữa thiên nhiên và con người, những giá trị văn hóa từ núi rừng đã dần tàn lụi theo thời gian... thì lần này, tác phẩm mới Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa "gã lập dị" lại rong chơi trong vẻ đẹp phiêu bồng, bát ngát của Tây Nguyên đại ngàn. Đọc sách, nhiều người cho rằng Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa mang đầy thi tính và suy tư của một tác giả am hiểu, đào sâu cảm nhận văn hóa và nâng niu những dấu tích còn lại của Tây Nguyên.

Nhà báo Nguyễn Hàng Tình, tác giả Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa (NXB Đà Nẵng)

NVCC

Cuốn sách Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa của Nguyễn Hàng Tình (NXB Đà Nẵng ấn hành) gồm 3 phần chính: Cỏ dại, Loài thượng đẳngẢo ảnh nhiệt đới; mà bất cứ phần nào được viết ra trong cuốn sách này đều cho thấy được sự hòa mình cũng như đồng cảm với tự nhiên, văn hóa và những giá trị làm nên bản sắc cao nguyên. Ở đó, các nhân vật của nhà báo Nguyễn Hàng Tình mang tâm trạng của anh, cũng “thường cô độc trong những mảnh tự nhiên còn trụ lại lặng thầm mà cao thượng, giữa một cuộc sống văn minh đô thị đang dần xâm chiếm. Để đằng sau những câu chữ hiền minh phiêu bạt là nỗi khắc khoải về những giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa đang rã rời” (Tựa).

Chỉ thích làm người ta vui, không muốn làm bất cứ ai buồn cả

Giải thích cho tính nết "không giống ai" với PV Thanh Niên, tác giả Nguyễn Hàng Tình cho rằng: “Con người ngày càng lạ, kỳ, so với... loài người. Cứ như đã mang tâm hồn của một giống loài nào khác rồi. Lao vào vật chất và hưởng thụ, phàm phu. Con người bây giờ ăn tất cả những sinh vật gì di động và bán bất cứ thứ gì trên mặt đất - buôn bán thiên nhiên. Vong bản, hung dữ, lý tính, tham cầu vô hạn, hư hỏng mà bảo là "văn minh"; thậm ác mà ngỡ là "hiện đại". Gây đau đớn, tổn thương tràn lan mê man mặt đất. Sự nhân bản (bản chất gốc của con người), cùng nền văn minh thảo mộc (gốc của văn hóa, văn minh) biến đi như một cái vẫy tay. Sự thiện lành nào cũng mất "không gian". Đâu đó chắc cũng có những người ngỡ ngàng, thấy lạc loài”.

Bìa tác phẩm mới của anh

NXB

Và rồi những con người cảm thấy lạc loài ấy như anh vẫn không… lạc lối. Nguyễn Hàng Tình vẫn đi đúng con đường mình thích, dù có những quyết định của anh khiến bạn bè bất ngờ. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân kể: “Ở Đà Lạt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phước Khùng - MPK là bạn thân của Nguyễn Hàng Tình. Dù mang nghệ danh là Phước Khùng nhưng Phước còn lấy được vợ, riêng Tình thì không. Nhiều bạn bè thân thiết đùa vui với đôi bạn này, rằng: 'Phước Khùng là khùng kiểu nghệ sĩ cho vui, còn Nguyễn Hàng Tình là khùng… bản năng'. Và việc Tình xin nghỉ khỏi biên chế tờ báo có thu nhập cao thuộc loại nhất nhì trong làng báo, đã chứng tỏ rằng câu nói đùa của bạn bè cũng ít nhiều có lý”.

Nguyễn Hàng Tình cho biết thêm: “Với tôi, cuốn sách này cũng thấy mình nằm trong thiểu số lạc loài ấy. Bạn 'khóa' thiên nhiên lại bán vé cho chúng sinh 'được vào' tham quan những ngọn núi, dòng thác, hồ nước thân thương máu thịt mà tạo hóa ngàn năm tạo ra cho muôn loài đó thì làm sao mà tôi không thấy ngỡ ngàng lạc loài. Thương nhớ vành nôi gốc (thiên nhiên - nơi mọi thứ con người có được đều từ đó mà ra, kể cả trái tim hay tâm hồn, xe cộ, nhà cửa hay tình yêu đôi lứa). Miền nhiệt đới là miền của tràn đầy nguyên sinh, rực rỡ đa dạng sinh học. Những rừng thảo mộc điệp trùng được thay bằng thứ gì đó mang tính 'cỏ dại' mênh mông. Tất cả héo khô sức sống, thành cỏ khô. Đổ lên đầu cỏ dại. Rừng thẳm nhiệt đới, từng tế bào văn minh, tinh cốt văn hóa nhiệt đới vi diệu đó trở thành như ảo ảnh. Đến cỏ khô còn bị lầm lỡ. Giờ, thương nhớ 'nhiệt đới' ngay khi đang ở miền nhiệt đới".

Tác giả Song Giang viết về tác giả Nguyễn Hàng Tình như sau: “Đọc sách Nguyễn Hàng Tình, vừa cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cũng vừa nhói buốt vì một miền hoang vu cô độc của con người, của cả loài vật. Độc giả theo dấu chân anh và day dứt cùng anh trong những hành trình qua núi qua rừng, đi xuyên qua những giá trị văn hóa tộc người để nhìn thấy cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt của con người với thiên nhiên hoang dã, và cũng có khi là một cuộc tàn phá môi trường”.

Nguyễn Hàng Tình dù là dân gốc Quảng Ngãi nhưng tình yêu Tây Nguyên trong anh luôn mãnh liệt. Không biết có bao nhiêu dấu chân anh đã từng in giữa đại ngàn.

NVCC

Và cứ thế, Nguyễn Hàng Tình dù là dân chính gốc Quảng Ngãi nhưng luôn đau đáu với Tây Nguyên một cách mãnh liệt. Anh khao khát khám phá, khao khát viết, lập dị giữa cuộc đời nhưng lại tài hoa trên những trang sách mới. “Chỉ là kẻ viết rong amateur (không chuyên-NV) thì có gì để nói thêm nữa, ngoài những trang sách bọt bụi đã phơi. Vì hũ tro nơi lò thiêu đang chờ tác giả như những dải rừng nhiệt đới nguyên sinh cuối cùng đang chờ những bạo chúa của vật chất. Chỉ thích làm người vui, không muốn làm bất cứ ai buồn cả, nhưng biết sao giờ khi mặt đất này nó đang mang hình hài như thế”, tác giả Nguyễn Hàng Tình bộc bạch.

Lòng ta mênh mông sa mạc. Ta chợt vỡ vụn thẫn thờ, như cá mất sông, thú mất rừng. Là lúc ta nhận ra rồi, bởi mi đã tách ra khỏi hơi thở đại ngàn, không còn dẫn sự thổn thức của con thú hoang, chiếc lá, giọt nước đầu nguồn về tim cư dân mình. Rừng là nơi đẻ ra mi mà, mi là hơi thở của rừng mà. Nhà rông trở thành nơi đã đổi khác, mi sống đời sống khác, mang hình hài và cái vía khác...

Sự tiến bộ thách thức sự thuần khiết trong trẻo. Một cuộc đánh đổi, hay đưa đẩy đã phủ lên. Dù ta biết kiến trúc chỉ là cái vỏ vật chất, còn việc sử dụng nó mới là lục phủ ngũ tạng của một cơ thể, sự sống. Nhưng sao ta cứ bần thần mãi thế này. Ta như thất lạc một thế giới. Ta như thất lạc một đóa hoa ngàn. Ký ức về sự thuần hậu tràn lên. Nhà rông còn đó, nhưng sao nó “xa rừng”. Nhà rông còn đó sao nó không nồng nàn, ít ấm, ít tình quá. Nhà rông như thấp xuống, trong nhận thức về thiên nhiên, vũ trụ. Chức năng liên lạc, hiệp thông với rừng, với thảo mộc, núi sông..., với từng tổ người, và tâm hồn từng người của nhà nông đâu rồi. Mới hôm nào những gì diễn ra trong ngoài nhà rông đều không có kịch bản.

Nay, kịch bản chi tiết đến cái cần rượu, miếng thịt nướng, quần áo trên người, điệu múa, lời ca, ngày giờ, quan khách, du khách, chỗ ngồi, chỗ đứng, nụ cười.

Trích Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa (tác giả Nguyễn Hàng Tình, NXB Đà Nẵng ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.