Lăng được xây dựng vào năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài 11 năm mới hoàn thành. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ lành nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng…
Người chịu trách nghiệm chính cho các tác phẩm nghệ thuật trong lăng là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của ba bức bích họa nổi tiếng Cửu long ẩn vân lớn nhất Việt Nam được vẽ trên trần của ba gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Điều đáng nói là ba bức họa này đều được nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ bằng chân, một kỳ tài có một không hai trong lịch sử hội họa ở nước ta.
Ngoài ba kiệt tác trên, còn có một bức phù điêu mặt trời rất to mà bất kỳ ai vào lăng cũng đều sững sờ trước sự nổi bật về màu sắc và vẻ đẹp hoành tráng bởi kích thước của nó. Nhưng tiếc rằng nó chưa được quan tâm nhiều nên bị lép vế với ba bức bích họa.
Vị trí của bức phù điêu này thuộc phía sau tượng vua, thể hiện phân nửa thuộc phần trên mặt trời, về tổng quan của nó có thể chia làm ba phần cùng với màu sắc khác nhau như: phần trong là màu đỏ bầm được thể hiện nhiều vòng tròn và trên các vòng này có rất nhiều tia nhỏ ngắn dài khác nhau; phần giữa là quầng mây ngũ sắc với rất nhiều các dải mây nhỏ liên hoàn; phần ngoài cùng là ánh hào quang với các tia ngắn dài xen kẽ và có màu nâu đỏ xen màu vàng.
|
Theo ông Nguyễn Phúc Bảo Minh (hậu duệ vua triều Nguyễn), đây là mặt trời đang lặn với hàm ý cho người chết. Nhưng ở một góc độ tiếp cận khác, tôi lại thấy thêm nhiều hàm ý nữa của bức phù điêu này.
Mối quan hệ giữa mặt trời và hoa cúc
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, hoa cúc là tượng trưng cho sự viên mãn và trường tồn. Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam..., hoa cúc còn là biểu tượng của mặt trời (Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Sđd, NXB Đà Nẵng, 1997, tr.222). Thực tế ở bức phù điêu này, qua khảo tả nêu trên cho thấy là mặt trời nhưng cũng là hoa cúc, bởi chúng được lồng ghép hòa quyện với nhau như: tại phần trong có màu đỏ bầm thể hiện hoa cúc, với các dấu hiệu như ở tâm giữa là các vòng tròn nhỏ được phân ô thể hiện phần nhụy hoa, kế đến là vòng có rất nhiều tia nhỏ dài nhưng cũng vừa là cánh hoa, và cách thể hiện này rất giống với hoa cúc làm hiệu đề trên đồ pháp lam của triều Nguyễn. Tiếp nữa là ba vòng có các tia ngắn chính là cách thể hiện các đầu cánh hoa của ba lớp cánh chồng lên nhau. Còn lại quầng mây ngũ sắc có lẽ là cầu vồng, nhưng điều đáng nói là nó được phối cùng với các tia hào quang phía ngoài là một điểm nhấn cực kỳ hiệu quả và sinh động. Đây chính là biểu đạt cho cảnh mặt trời đang lặn trong hoàng hôn thật lãng mạn.
|
Nhìn chung, bức phù điêu này được nghệ nhân thể hiện với các dấu hiệu về hoa cúc và mặt trời thật rõ ràng, đồng thời cũng là minh chứng thuyết phục cho mối quan hệ mật thiết của chúng. Rất có thể bức phù điêu này cùng ba bức Cửu long ẩn vân mang ý nghĩa chủ đạo trong trang trí ở lăng.
Ngoài ra, cũng còn phải kể đến hình tượng mặt trời có hai rồng chầu (lưỡng long chầu nhật) thể hiện ở trên hai cửa hông trong lăng, và điều đáng nói phía trong cũng là hoa cúc và phía ngoài là các tia mặt trời bao quanh. Hình như ý nghĩa của loại hoa này cùng với khát vọng trường tồn của vương triều Nguyễn đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo thật phong phú và độc đáo của các nghệ nhân xưa.
Cuối cùng một điều cần được nói thêm ở đây là, qua hình ảnh mô típ ở ba đến bốn lớp các đầu cánh hoa ở bức phù điêu nêu trên, cho thấy chúng giống như một bản sao với cái gọi là “văn cẩm quy” thể hiện trên các đồ sứ của triều Nguyễn. Vấn đề được đặt ra là “văn cẩm quy” thể hiện trên đồ sứ có phù hợp hay không? Bởi thực tế cho thấy rất nhiều chén đĩa, bình được sử dụng hoa văn này làm nền, và đều được xuất phát ôm quanh vòng trôn trở lên trông cũng chẳng khác gì một bông hoa cúc. Vấn đề này tôi xin gửi đến các nhà nghiên cứu về đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, nhưng theo cá nhân tôi thì nên gọi là “văn cánh cúc”. Còn ở hình tượng mặt trời thì “văn cẩm quy” là không thể.
Bình luận (0)