Quả bí ngô cứu mạng
Đầu phố nhỏ Tăng Bạt Hổ (TP.Quy Nhơn, Bình Định), ở vỉa hè trước nhà số 5D có quán nhỏ lèo tèo dăm bàn, sáng bán phở chiều bán ốc. Chủ quán kiêm phục vụ tên Lê Minh Thoa, cựu binh tàu HQ-604 tham gia trận chiến ngày 14.3.1988 và là một trong số 9 cán bộ chiến sĩ ta bị Trung Quốc bắt làm tù binh và không đầu hàng số phận...
Ông Thoa quê ở Tây Sơn, Bình Định, đã nhập ngũ và được cử đi học chuyên ngành máy tàu tại Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân.
|
Đầu tháng 3.1988, ông Thoa được lệnh theo tàu vận tải HQ-604 của Lữ đoàn 125 ra làm nhiệm vụ xây dựng - bảo vệ chủ quyền tại khu vực đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao, quần đảo Trường Sa.
Trận chiến đấu sáng 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, tàu vận tải HQ-604 bị bắn chìm khi đang thả neo cho Phân đội công binh Trung đoàn 83 bốc dỡ vật liệu xây dựng xuống đảo. Tàu HQ-604 chìm hẳn, Lê Minh Thoa ngụp lặn dưới biển, may mắn túm được quả bí ngô (thực phẩm dự trữ trên tàu) làm phao cứu sinh. Lênh đênh tận hôm sau, tàu Trung Quốc lại gần, binh lính trên tàu chĩa súng bắt đầu hàng nhưng anh lắc đầu. Rút cục họ phải vớt lên bắt làm tù binh.
|
Năm 1992, ông Thoa và 8 chiến sĩ hải quân ta mới được phía Trung Quốc trao trả tại Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Hết thời gian an dưỡng, ông xin được ở lại phục vụ quân đội và được chuyển công tác về Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Và hành trình cuộc sống của ông cũng không kém phần cam go, vất vả.
Ra quân theo chế độ, ông Thoa quyết định rời quê, ngược vào TP.HCM kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm. Ban ngày không cạnh tranh lại, ông phải chạy xe đón khách vào ban đêm. Thói quen sinh hoạt không bình thường ấy, cộng với vẻ mặt ông trầm lặng ít nói, đã khiến bà chủ nhà trọ sinh nghi; sau một thời gian theo dõi, bà chủ te tái lên công an phường báo cáo "hành tung bất thường". Lúc ấy, ông Thoa chỉ có mỗi cái CMND đã cũ, nên người chỉ huy công an phường cho lục soát đồ đạc.
May thay, dưới đáy chiếc hòm sắt của ông Thoa là… những huân huy chương, từ Huân chương Chiến sĩ hạng nhì - hạng ba tặng cho trung úy Lê Minh Thoa do “đã có thành tích phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam” cho đến Huân chương Chiến công hạng ba đề tên ông do “đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ quần đảo Trường Sa”... Ông Thoa kể: “Người chỉ huy tổ công tác của công an phường hôm ấy đã không nén nổi xúc động, trừng mắt quát bà chủ: Bà có biết đây là ai không?".
Dù "làm ăn tốt", ông Thoa vẫn phải về Nha Trang cưới vợ, theo tâm nguyện của bố mẹ già. Sau vài năm chung sống, người vợ đầu sinh được 2 cô con gái và 1 cậu con trai kháu khỉnh. Vướng vào hụi họ mất sạch, cô vợ đâm đơn ly hôn, bỏ đi biệt tích, để lại đứa con thứ ba, mới 4 tháng tuổi. Ông Thoa mang đứa con còn ẵm ngửa về lại Bình Định, xin làm chân phụ bếp cho một nhà hàng tại TP.Quy Nhơn. Chả hiểu vì duyên số tiền định hay quá ấn tượng với hình ảnh gà trống mướt mải chăm con, mà cô gái ở TP.Quy Nhơn tên Trần Thị Thu Hà đã vượt qua mọi lời dèm pha, đồng ý lấy ông Thoa và dĩ nhiên, nuôi cả đứa con không phải do mình sinh ra.
Mấy năm, từ khi lấy vợ, ông Thoa sống bằng cái nghề chẳng liên quan đến tàu bè, súng ống là bán phở - luộc ốc. Tâm tình cùng chúng tôi, ông Thoa bùi ngùi: "Chỉ mong được một lần ra lại Trường Sa, thăm chiến trường xưa và thắp hương cho đồng đội". Phải chi ngày càng có nhiều người dân Quy Nhơn biết rằng ngay bên cạnh họ có những cựu binh Trường Sa như ông Thoa, để đến ăn bát phở, nhấm nháp đĩa ốc thì vui biết bao…
|
Mừng mừng tủi tủi dọn bàn thờ
26 năm qua, cứ đến ngày chủ nhật của tuần trước ngày 14.3, toàn bộ 54 cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 lại hẹn nhau để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong buổi sáng 14.3.1988, trên đảo Gạc Ma - Len Đao, cùng ôn lại phút sinh tử đánh dấu cột mốc chủ quyền VN.
Sáng sớm 9.3, ông Dương Hải Nam (55 tuổi) đặt chân đến TP.Hải Phòng sau chuyến xe khách đường dài từ quê nhà huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tóc đã hoa râm, gương mặt nhiều nếp nhăn nhưng người Bí thư Đoàn chuyên trách tàu HQ-505 anh hùng này vẫn được vị thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ nhận ra bởi bước đi tập tễnh dưới làn mưa phùn.
Những cái bắt tay thật chặt, rồi những giọt nước mắt bồi hồi về ký ức trận đánh giữ đảo Cô Lin oanh liệt ngày 14.3.1988 ùa về trong trái tim mỗi người.
“Trước lúc đi cứu đồng đội, chúng tôi đã sẵn sàng tâm thế hy sinh, quyết giữ trọn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nam chia sẻ. Sáng hôm ấy, tàu HQ-604 giữ đảo Gạc Ma bị quân Trung Quốc bắn cháy và chìm xuống biển sâu. Thượng úy Dương Hải Nam cùng 6 người lính khác trên đảo Cô Lin đi xuồng cao su cơ động buộc sợi dây dù kéo theo một chiếc thuyền nhỏ bằng nhôm ở phía sau ứng cứu đồng đội; đưa được 44 thương binh về tàu, trong đó, anh hùng Nguyễn Văn Lanh và anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương là Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma hy sinh.
Ít ai biết rằng trước lúc giải cứu ở Gạc Ma, ông Nam và những thủy thủ tàu HQ-505 đã phải trải qua cuộc chiến đấu không cân sức trên đảo Cô Lin. Đại tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 thuộc Lữ đoàn 125 hải quân, cho biết đội tàu của ông hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin, cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, đó là lúc 5 giờ 30 ngày 14.3.1988. 1 giờ đồng hồ sau, tàu HQ-505 đã bị tấn công; Ban chỉ huy tàu đã hạ quyết tâm cho sửa chữa máy móc, bằng mọi giá đưa tàu lên bãi cạn để giữ bằng được tàu và đảo.
Để giữ Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng 9 chiến sĩ trẻ khác bám trụ lại. Những ngày ở đảo cực kỳ căng thẳng, nhọc nhằn bởi áp lực liên tục từ đối phương và cả chuyện sinh tồn. Ông Bùi Văn Thanh (47 tuổi, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) nhớ lại chuyện ngộ độc cá. Vì thực phẩm không còn nên cứ đến đêm, các chiến sĩ đốt đuốc xuống bãi san hô đâm cá về ăn. “Có hôm ăn cá bị ngộ độc tới 4 - 5 người nên xương cốt đau buốt, chân tay mỏi nhừ không đi được, vài ngày sau mới khỏi”, ông Thanh nói.
Sau một thời gian, chỉ còn lại hạ sĩ Thanh và một vài chiến sĩ khác ở lại giữ đảo Cô Lin. Ngoài khẩu súng AK, tài sản giá trị của người lính trẻ Bùi Văn Thanh là... 2 chiếc quần đùi mặc luân phiên trong suốt 3 tháng giữa trùng dương.
Ngày 26.6.1988, ông Thanh được vào đất liền và về quê thăm nhà. Lúc này, ông mới biết câu chuyện mình được... thờ từ ngày 14.3.1988. “Hôm ấy, mẹ tôi nghe đài bảo có mấy chục người bị mất tích nhưng không nói rõ là ai nên bà đinh ninh tôi không trở về, bèn lập bàn thờ. 3 tháng ròng khóc hết nước mắt, đến hôm biết tin tôi về mới mừng mừng tủi tủi dọn bàn thờ đi”, ông Thanh nhớ lại.
Cứ như vậy, ngày 14.3 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của các thủy thủ tàu HQ-505 anh hùng. Trở về đời thường, tuy mỗi người làm một công việc khác nhau nhưng điều mà ông Thanh, ông Lễ, ông Nam cùng những đồng đội tàu HQ-505 mong muốn là được một lần trở lại thăm đảo Cô Lin.
Trong buổi kỷ niệm 26 năm ngày 14.3.1988, những người lính năm xưa nhắc lại hai câu trong bài thơ Cự ngao đới sơn của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình” như một thông điệp gửi tới những thế hệ hôm nay và mai sau trong công cuộc gìn giữ trọn vẹn chủ quyền Tổ quốc.
Mai Thanh Hải - Vũ Ngọc Khánh
>> Hỗ trợ cựu binh Gạc Ma
>> Lập bài vị các liệt sĩ Gạc Ma trong chùa Sinh Tồn
>> Cựu binh Gạc Ma mong giám định lại thương tật
>> Tri ân chiến sĩ Gạc Ma
Bình luận (0)