Gạc Ma không thể nào quên

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
14/03/2018 08:00 GMT+7

Đúng ngày này 30 năm trước, máu đã đổ ở Trường Sa khi quân Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đổ bộ lên đá Gạc Ma, nổ súng vào tàu vận tải và bộ đội Việt Nam.

'Đêm 14.3.1988, cá mập kéo đến hàng đàn, đập vây ầm ầm quanh đuôi con tàu đã lao lên bãi Cô Lin', thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên cán bộ tàu HQ-505 kể. Còn trung sĩ Đoàn Hữu Thấn, nguyên thủy thủ tàu HQ-605 thì nhớ lại: “Boong tàu đầy máu của thương binh, tử sĩ trúng đạn pháo Trung Quốc”. Ngày 14.3.1988, máu bộ đội hải quân VN đã nhuộm đỏ vùng biển Gạc Ma.
Súng AK chọi với pháo hạm
Ông Đoàn Hữu Thấn năm nay 53 tuổi, quê Thái Thụy, Thái Bình, hiện sống tại xã Tân Lập (H.Đồng Phú, Bình Phước), nguyên là trung sĩ, thủy thủ của tàu HQ-605, Lữ đoàn vận tải 125 Hải quân.
Đầu tháng 3.1988, khi đang là thủy thủ tàu HQ-605, ông và 4 anh em khác được tăng cường sang tàu HQ-604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Sáng 13.3.1988, tàu HQ-604 của ông cập mạn tàu HQ-505 đang chốt tại đảo Đá Lớn, trao mật lệnh của Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương và cùng nhau hành quân tới đá Gạc Ma, Cô Lin làm nhiệm vụ củng cố xây dựng đảo. 3 giờ sáng 14.3.1988, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông lệnh cho lực lượng công binh của Trung đoàn 83 rời tàu vào Gạc Ma để củng cố xây dựng đảo, đi cùng có tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ công binh.
 
Tàu HQ-505 trên bãi Cô Lin tháng 3.1988 Ảnh: Tư liệu Bộ Quốc phòng
Phát hiện hoạt động của ta, phía Trung Quốc triển khai đội hình chiến đấu: một số tàu xuồng bao vây tàu HQ-604, vừa chia cắt tàu với lực lượng trên đảo, vừa chĩa súng pháo sang trấn áp bộ đội. Bên cạnh đó, 3 trung đội lính chiến đấu Trung Quốc mang đầy vũ khí đi trên 3 xuồng cao tốc, đổ bộ và dàn đội hình tiến về những người lính công binh VN toàn tay không ở giữa đá Gạc Ma.
“Từ vị trí chiến đấu trên boong, nhìn rõ tốp lính Trung Quốc ôm một khối hình vuông giống mốc chủ quyền gắn lá cờ và xung quanh gần chục tên lăm lăm súng AK bảo vệ, tôi báo ngay với thuyền phó Vũ Văn Thắng đang chỉ huy mặt boong: Chúng quyết chiếm bãi đá mình anh ơi...”, ông Thấn nhớ lại. “Lính Trung Quốc lao vào giật cờ VN cắm trên điểm san hô cao nhưng chiến sĩ ta giằng lại và xé rách hết cờ của Trung Quốc cũng định cắm xuống. Điên cuồng, lính Trung Quốc nổ súng bắn thẳng vào thiếu úy Trần Văn Phương. Ở ngoài tàu HQ-604, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ hét lên ra lệnh: “Trừ lực lượng đi ca, tất cả anh em lên giữ đá” và mọi người dù đang mặc đồ lót cũng nhảy xuống biển bơi lên đảo tiếp ứng. Sau vài giờ giằng co, lính Trung Quốc không cắm được cờ phải rút về tàu”.
Ông Thấn kể tiếp: “Tôi thấy tàu chiến Trung Quốc lùi ra xa HQ-604 và súng pháo quay loạn xạ. Khoảng hơn 7 giờ, chúng đồng loạt xả đạn lên đá Gạc Ma, vào tàu từ súng 12,7 mm cho đến pháo lớn 100 mm. Sau đợt pháo kích, gần chục xuồng chở lính Trung Quốc lao vào định chiếm tàu nhưng bị chúng tôi đánh trả quyết liệt. Thuyền phó Vũ Văn Thắng sau khi dùng B41 bắn tàu địch không hiệu quả đã lệnh cho tổ boong tập trung tiêu diệt từng xuồng cao tốc và diệt gọn lính trên một xuồng khiến chúng phải nhảy xuống biển bơi về tàu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh lao lên ủi bãi Gạc Ma nhưng máy tàu không nổ. Trong khi đang chờ nạp khí để khởi động lại thì đạn trúng ngay hầm máy khiến tàu nằm im bất động, thành mục tiêu cho địch bắn chìm, bộ đội hy sinh phần lớn”.
Khi tàu HQ-604 chìm xuống biển, ông Thấn bị sức ép đạn pháo hất tung khỏi boong, ngất lịm giữa các vật nổi và mãi buổi chiều 14.3 mới được tổ cảm tử của tàu HQ-505 (cũng bị bắn cháy nhưng lao lên ủi bãi cạn Cô Lin) dùng thuyền nhôm tìm kiếm, bắt gặp đưa về Cô Lin, sau đó chuyển về đảo Sinh Tồn và đưa về đất liền bằng tàu HQ-617.
“Hồi ấy vũ khí của ta trên các tàu chỉ là AK, RPD và B40, B41. Sau trận đánh ngày 14.3.1988, các tàu mới được trang bị DKZ, súng phòng không 12,7 mm”, ông Thấn cho biết.
Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp  Ảnh: M.T.H
Giữ cờ trên Len Đao
“5 giờ sáng 14.3.1988, tàu HQ-605 chúng tôi đến Len Đao và thả xuồng cho bộ đội vào cắm cờ”, thượng úy Uông Xuân Thọ, nguyên máy trưởng tàu HQ-605, nhớ lại: “Tổ gồm trung úy Phan Hữu Doan, thuyền phó làm tổ trưởng và các chiến sĩ Trần Quang Ngọc, Vũ Văn Nga, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Thưởng lên nhổ vứt cờ Trung Quốc đã cắm phi pháp trước đó, thay bằng cờ VN. Cắm xong, thượng úy Khổng Ngọc Quang là chính trị viên tàu vào chỉ huy tổ giữ cờ. Anh Doan vừa leo lên tàu, vào phòng tắm thì Trung Quốc tấn công chúng tôi”.
HQ-605 là tàu nhỏ, trọng tải 400 tấn, chuyên chở hàng với quân số chỉ có 18 người, trang bị thô sơ gồm súng AK, B40. “Tôi đứng trên đài chỉ huy canh chừng tàu đối phương và dõi theo bóng tổ bảo vệ cờ trên bãi cạn Len Đao, bất ngờ nghe tiếng đạn pháo loại 100 mm phía Cô Lin và Gạc Ma vọng rền. Biết là chúng tấn công mình nên báo thuyền trưởng báo động anh em vào vị trí chiến đấu. Khoảng 6 giờ sáng, sau khi đã bắn chìm HQ-604 và bắn cháy HQ-505, tàu pháo 502 của Trung Quốc quay sang nã đạn vào chúng tôi”, ông Nguyễn Việt Hải, nguyên thủy thủ tàu HQ-605, kể và nhớ lại: “Loạt đạn đầu tiên nhằm vào đài lái, khiến trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh ngay tại chỗ; thuyền phó Phan Hữu Doan bỏng nặng. Thuyền trưởng ra lệnh chặt neo, ủi lên bãi Len Đao nhưng tàu chưa kịp nổ máy thì đạn pháo Trung Quốc đã nhằm thẳng khoang máy khiến máy trưởng Uông Xuân Thọ, chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu bị thương nặng”.
“Chúng tôi được lệnh rời tàu. Khi xuống biển điểm danh quân số mới thấy thiếu Bùi Duy Hiển, quay trở lại leo lên tìm nhưng tàu cháy dữ dội, thêm đạn pháo Trung Quốc nã như mưa nên đành gạt nước mắt rời khỏi tàu”, thượng úy Uông Xuân Thọ rưng rưng nước mắt kể lại và nghẹn ngào: “Suốt 4 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, chiếc xuồng của tổ bảo vệ cờ trên đá Len Đao mới vớt được hết anh em, chèo về Sinh Tồn và thuyền phó Phan Hữu Doan hy sinh ngay trên xuồng, trong vòng tay đồng đội”.
Ngày 14.3.1988, tàu HQ-605 giữ được Len Đao. Đổi lại, thuyền phó Phan Hữu Doan và chiến sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh; 3 người lính bị thương nặng là thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn, máy trưởng Uông Xuân Thọ và chiến sĩ cơ điện Trần Văn Sáu.
Ủi bãi trong mưa đạn
Thượng tá Phạm Văn Hưng, nguyên trưởng ngành hỏa lực của tàu HQ-505, trực tiếp tham gia trận chiến 14.3.1988, ở lại bảo vệ đá Cô Lin thêm 2 tháng nữa và suốt từ đó đến khi nghỉ hưu (năm 2017) vẫn dọc ngang Trường Sa trên những con tàu vận tải, chở quân. Chuyến nào qua Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, ông cũng một mình lặng lẽ châm thuốc lá thả xuống mặt biển - đúng 64 điếu.
Ông Hưng nhớ lại, đêm 13.3.1988 căng như dây đàn đối với thủy thủ tàu HQ-505. Buổi chiều sau khi thả neo ở mép đá Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho toàn tàu ăn cơm chiều và gọi các sĩ quan họp riêng, nhận định: “Sáng mai có thể đụng độ. Mọi người chuẩn bị tinh thần chiến đấu” và tăng cường đi ca, quan sát mục tiêu trên biển. Đêm hôm ấy, hầu như cả tàu tập trung ở phòng thông tin hóng các bức điện từ bờ gửi ra. Các tổ đi ca tăng cường người, tập trung quan sát phía Gạc Ma bởi lúc chiều nhập nhoạng, nhìn qua ống nhòm đã thấy tàu HQ-604 thả xuồng đưa công binh vào bãi đá và ban đêm, đuốc trên bãi sáng lập lòe.
5 giờ sáng 14.3.1988, thuyền trưởng Lễ đã báo thức toàn tàu và cử 3 tổ bơi vào đá Cô Lin cắm cờ ở 3 góc. Ông Phạm Văn Hưng và Phạm Xuân Điệp (nay là Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Hải quân) cùng ở một tổ. Trước lúc nhảy xuống biển, ông Hưng còn dặn phó ngành của mình là Nguyễn Văn Sơn: “Anh căn chỉnh lại đường ngắm của mấy khẩu pháo giúp em”. Việc cắm cờ kéo dài hơn 1 tiếng do phải dùng xà beng phá đá san hô làm lỗ cắm. Khi xong thì trời tảng sáng, bằng mắt thường cũng nhìn thấy 2 tàu khu trục Trung Quốc từ phía Huy Gơ chạy xuống, sát qua Cô Lin và tàu HQ-605 neo ở đá Len Đao từ trước. Ông Hưng nhìn tàu Trung Quốc, nói: “Ông cắm cờ rồi, mày làm được gì?”.
Lên tàu, ăn sáng bằng miếng lương khô và ông Hưng nhận ca trực. Khoảng hơn 7 giờ sáng, ông Hưng lấy ống nhòm nhìn sang Gạc Ma thấy tàu Trung Quốc hạ xuồng và chỉ mươi phút sau nghe tiếng súng 12,7 mm rèn rẹt. Chiến sĩ trực canh hớt hải báo động: “Anh Lễ ơi, bọn Trung Quốc nó bắn mình rồi!”. Nhìn qua ống nhòm, thấy tàu HQ-604 trúng đạn bốc cháy, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo. Trong khi tàu HQ-505 đang loay hoay nhổ neo thì cả 3 tàu khu trục Trung Quốc lao đến tấn công. Quả đạn pháo đầu tiên của chúng bắn vào buồng thông tin trên đài lái, sau đó là hầm máy khiến hệ thống liên lạc bị cắt, khí khởi động tịt ngóm. “Thuyền trưởng dồn dập rung chuông ra lệnh tiến nhưng máy không khởi động được. Mãi mới rồ lên nổ, về sau hỏi lại thì anh Hoàng Đình Thạc dưới hầm máy rất mưu trí cởi áo quần bịt chỗ thủng khắc phục. Chúng tôi ở trên vừa dập lửa vừa bắn trả, nhưng vũ khí mạnh nhất của tàu lúc ấy chỉ là pháo 40 mm, không với tới tàu địch”, ông Hưng kể.
Trong cuốn nhật ký chiến đấu của tàu HQ-505 lưu tại Bảo tàng Hải quân, vẫn còn rành mạch nét chữ của chính trị viên Võ Tá Du: 8 giờ 5: 3 tàu địch bắt đầu bắn vào 604, 605, 505; 8 giờ 7: Lái hỏng, mũi tàu dạt ngang, lệnh lái tay;
8 giờ 8: Dùng hai máy hết tốc độ ủi lên Cô Lin, chân vịt không quay, điện điều khiển hỏng, tàu bị địch bắn cháy phòng thuyền trưởng và khu thông tin, trưởng ngành thông tin bị thương; 8 giờ 10: Máy tiếp tục hỏng, không sử dụng được;
8 giờ 11: Bình khí vào ly hợp bị bắn thủng. 3 tàu Trung Quốc tấn công rất mạnh. Buồng thông tin trúng đạn. Hai máy tiến hết tốc độ. Điều khiển bằng tay lao lên đảo; 8 giờ 18: 2 máy ngừng hẳn. Tàu nằm hẳn lên cạn vị trí A6, B1, 2...
Thượng tá Phạm Văn Hưng nhớ lại: “Lúc tôi đang trên khu vực pháo mũi, thấy ào ào sàn sạt phía dưới, biết là tàu đã lao lên ủi bãi và giữ được chủ quyền của mình. Khoảng 8 giờ 20, khu đài chỉ huy và hành lang tàu bốc cháy ngùn ngụt vì đạn pháo của 3 tàu Trung Quốc. Cấp ủy tàu hội ý mở rộng và xác định quyết tâm kiên quyết bám trụ tại tàu, bảo vệ đảo”.
8 giờ 30, nhìn qua ống nhòm thấy tàu HQ-605 bốc cháy,
HQ-604 chìm hẳn còn tàu mình bị cháy nặng, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh hủy tài liệu mật.
9 giờ, các tàu Trung Quốc tấn công đợt 2 vào HQ-505 khiến hầm dầu cháy to không dập tắt được. Cấp ủy tàu xác định có thể sẽ hy sinh tất cả nhưng quyết tâm bám trụ đến cùng. Mãi đến 9 giờ 30 tàu địch mới kết thúc bắn. Nhìn qua ống nhòm sang Gạc Ma thấy một xuồng chuyển tải đang nổi và bộ đội níu các vật nổi cứu nhau, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho hạ xuồng mạn phải, cử một tiểu đội chạy sang Gạc Ma cấp cứu thương binh.
15 giờ, xuồng đưa 45 thương binh về cập tàu, đúng lúc này 2 tàu khu trục Trung Quốc cũng kè mạn phải tàu. “Chúng tôi chờ chúng vào tầm để bắn tiêu diệt nhưng chúng cứ lởn vởn ngoài xa. Đứng trên mâm pháo nhìn xuống, thấy bộ đội mình kéo nhau lên boong và đưa thi hài anh Trần Văn Phương, 2 thương binh nặng là Đậu Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh sau cùng, uất không chịu nổi”, thượng tá Phạm Văn Hưng nghẹn giọng: “16 giờ tàu HQ-671 mới treo cờ chữ thập lùi vào nhận thương binh liệt sĩ đưa về Sinh Tồn”.
Đêm hôm ấy, cá mập ngửi mùi máu kéo hàng đàn về Gạc Ma - Cô Lin và đập uỳnh uỵnh vào chiếc xuồng neo mạn tàu còn đầy máu thương binh. Không chịu nổi tiếng cá mập táp vào vỏ sắt ở nơi còn nồng nặc thuốc súng, một chiến sĩ đã cắt dây bỏ xuồng...
Sự kiện Gạc Ma sẽ xuất hiện 3 lần trong chương trình môn lịch sử mới
Gạc Ma là sự kiện dự kiến được đưa vào 3 chỗ của chương trình lịch sử phổ thông mới. Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn lịch sử và địa lý cấp THCS, sự kiện Gạc Ma sẽ đưa vào nội dung lịch sử VN và Đông Nam Á từ 1986 đến nay.
Thứ hai, ở THCS có một chủ đề tích hợp, dự kiến đặt tên là Biển đảo VN, có các nội dung là địa lý tự nhiên, kinh tế biển, tài nguyên biển, lịch sử chủ quyền biển đảo của VN, bao gồm lịch sử quá trình khẳng định và thực thi chủ quyền của VN trên Biển Đông. Trong đó có sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và tình hình hiện nay.
Ở phần thứ ba, Gạc Ma sẽ được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển đảo VN. Ở cấp học này, học sinh sẽ tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma 1988 trong cái nhìn xuyên suốt của truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để giữ từng tấc đất của Tổ quốc, rút ra bài học xuyên suốt lịch sử.
GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện VN họcvà khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội),Chủ biên chương trình môn lịch sử mới
Tuệ Nguyễn (ghi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.