Chùa Khánh An, ngôi chùa có tuổi đời trăm năm của cộng đồng người Việt tại tỉnh Udonthani, đông bắc Thái Lan đã trở thành “điểm hẹn” quen thuộc của những người con xa xứ. Năm nay là năm thứ 3 “Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn” được tổ chức trang trọng tại chùa Khánh An vào ngày 18.3.
So với các năm trước, quy mô của đại lễ năm nay được tổ chức có phần lớn hơn, trọng đại hơn đúng dịp 30 năm sự kiện Gạc Ma. Trong cái nắng hanh đầu mùa miền đông bắc Thái Lan, rất đông bà con kiều bào trong trang phục áo dài truyền thống in cờ đỏ sao vàng đã có mặt dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Có nhiều người trong số họ đã vượt hàng trăm cây số đến đây từ hôm trước để kịp tham dự buổi lễ.
Chị Mai Thị Ngát, kiều bào sinh sống tại tỉnh Nakhon Phanom, xúc động chia sẻ: “Mặc dù nhà ở xa, nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp về Udon tham dự. May mắn đại lễ tổ chức vào đúng chủ nhật nên tôi đưa con gái đi cùng. Năm nay là năm đầu tiên tôi tham gia sự kiện này, tôi rất xúc động. Tôi muốn các cháu, những thế hệ mai sau luôn hướng về nguồn cội, biết đến truyền thống anh hùng của cha anh để gắng học tập, sau này góp sức xây dựng quê hương”.
Nhấn mạnh về sự kiện này, ông Nguyễn Tuấn Hùng, kiều bào tại Udon, cho biết: “Qua theo dõi báo đài trong nước, bà con kiều bào đã có được thông tin đầy đủ, toàn diện và chân thực hơn về sự kiện Gạc Ma. Tôi cho rằng Gạc Ma là một bài học lịch sử. Nó nhắc nhở chúng ta phải luôn cảnh giác, đồng lòng. Người trong nước cũng như ngoài nước đều có trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Có như thế chúng ta mới xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ Gạc Ma, các bậc tiền nhân”.
|
Ông Hòa cho biết đại lễ cầu siêu do cộng đồng người Việt tại tỉnh Udonthani nói riêng và Thái Lan nói chung tổ chức, đã trở thành hoạt động truyền thống hằng năm của kiều bào. Dù ở xa Tổ quốc, kiều bào ta tại Thái Lan luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, hướng về quê hương, đồng hành cùng dân tộc. Đây là hoạt động giúp kiều bào hiểu rõ hơn về lịch sử, vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
30 năm đã trôi qua, Gạc Ma vẫn là nỗi đau khắc khoải khôn nguôi trong mỗi người con đất Việt dù ở nơi đâu. Nhưng nỗi đau đó cũng là ngọn lửa, là động lực thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt không bao giờ lãng quên quá khứ, tiếp tục vững bước viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông.
Bình luận (0)