Người mẹ Gạc Ma: Kỳ 2: Day dứt thân phận người mẹ Gạc Ma

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
16/03/2018 15:29 GMT+7

Ở khu Hòa Cường cũ, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, có đến 7 liệt sĩ Gạc Ma, vốn là 7 người bạn từ thời ấu thơ - hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ biển đảo năm 1988.

Những năm đầu sau trận chiến khốc liệt, những người mẹ mất con cho Tổ quốc ở Hòa Cường vẫn thường thăm hỏi, động viên nhau, hàn gắn từng khúc ruột. Nhưng quá trình đô thị hóa, xứ Hòa Cường giải tỏa khá nhiều.

Liệt sĩ hy sinh, vẫn còn nuôi mẹ

Gia đình mẹ Nguyễn Thị Trước (86 tuổi), mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi không thể bám trụ tái định cư lại Hòa Cường vì không đủ tiền làm nhà.

Anh Phạm Văn Long, em liệt sĩ Lợi kể, khi đó gia đình phải bán phiếu đất ở Hòa Cường, rồi chấp nhận đi xa lên mua đất ở đường Lưu Nhân Chú (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ) mới có tiền xây nhà.

Mẹ Trước sau khi bị ngã cầu thang nên lên xuống thắp hương rất khó khăn - Ảnh: Nguyễn Tú
Ghé nhà mẹ Trước dịp này, căn bệnh parkinson thể nhẹ khiến mẹ thêm run rẩy, cùng các bệnh đau vặt tuổi già. Mẹ Trước vừa bị té khi cố gắng lên gác lửng thắp hương cho chồng và con là liệt sĩ Lợi.

Từ đó, anh Phạm Văn Long cũng không dám đi làm nhiều, ở nhà để chăm sóc mẹ, đưa mẹ lên xuống gác lo nhang khói.

Anh Phạm Văn Long kể, hồi nhỏ 2 anh em hay đi lượm ve chai phụ giúp mẹ; mẹ hái rau ngoài đồng xong thì anh Lợi gánh phụ mẹ ra chợ bán. Gia đình bà Trước có truyền thống quân ngũ, nên khi nghe tin anh Lợi đi nghĩa vụ quân sự noi gương anh trai, cả nhà rất mừng.
Mẹ Trước bên bàn thờ và di ảnh duy nhất của người con hi sinh - Ảnh: Nguyễn Tú
“Hồi hắn về nhà thăm Tết, mới ở được 2 ngày thì bị ba hắn la, tưởng hắn trốn về, nhưng hắn nói ba đừng có lo chi con hết, con nghỉ nhưng con có phép. Nói rồi sáng hôm sau hắn đi, đi luôn từ hồi đó, tui đi bán đi chợ về nghe tin Phạm Văn Lợi mất tích”, bà Trước nhớ lại.
Điều khiến bà Trước trăn trở là khi anh Lợi còn sống, bà không chăm lo được cho anh nhiều, nhưng từ khi anh hy sinh, vẫn nuôi được bà khi hằng tháng bà nhận 1,2 triệu đồng tiền hỗ trợ liệt sĩ.
Mẹ Nguyễn Thị Trước tiếc nuối vì không chăm lo cho con lúc sống được đầy đủ - Ảnh: Nguyễn Tú
“Hồi đó cực lắm, hắn đi bộ đội gia đình không có chi để gửi nuôi, cũng nhờ anh em trong xóm thương chia sẻ, sáng hắn đi chỉ có tô bún ăn với mắm”, bà Trước ngậm ngùi.

Hiện mẹ Trước sống với 2 con trai, trong đó có người con út bị bệnh down, anh Phạm Văn Long làm thợ xây thu nhập không ổn định, cùng mẹ gánh thêm nuôi em út.

Mong con một ngày vinh quang

Cũng như mẹ Trước, mẹ Lê Thị Lan (76 tuổi, ngụ xã Hòa Châu, H.Hòa Vang) mang trong người nhiều bệnh như tiểu đường, thấp khớp... Tuổi cao, bệnh nặng, mẹ không còn bán bún phụ giúp con cái ở đường Núi Thành.

Hằng ngày bà đón xe buýt từ xã Hòa Châu xuống trung tâm TP chữa bệnh, ở lại nhà của con trai út Nguyễn Hữu Đức (đường Nguyễn Khánh Toàn, Q.Hải Châu).

Bà Lan thẩn thờ mỗi lần nhớ về người con liệt sĩ hiếu thảo - Ảnh: Nguyễn Tú
Bà Lan kể: “Hồi mang thai đứa thứ 10 là thằng Đức thì chồng mất, tui định cho chứ một mình nuôi không nổi đàn con, nhưng thằng Lộc kiên quyết nói mẹ giữ em lại, con đi bán kem nuôi em”.

Bà Lan ngày đó đi làm công nhân quét rác. Thương mẹ, anh Lộc đêm đêm đẩy xe để mẹ đổ rác, giờ rảnh anh ra khúc sông Hàn (đoạn tượng đài 2.9 ngày nay) để bắt ốc phụ thêm đồ ăn trong nhà.

Dù khó khăn là vậy, nhưng từ ngày anh Lộc nhập ngũ, cả nhà tuyệt đối không than thở lời nào bởi sợ anh Lộc thương nhà nuôi em vất vả mà bỏ về.

Anh Nguyễn Hữu Đức, người mà liệt sĩ Lộc quyết đi bán kem nuôi em chứ không cho mẹ gửi làm con nuôi - Ảnh: Nguyễn Tú
Nỗi đau của những người mẹ càng nhân đôi khi chưa chăm sóc con được trọn vẹn, mà nay hằng tháng tiền trợ cấp liệt sĩ của con đều dành cho mẹ chữa bệnh. Bà Lan bị tiểu đường nặng, phải tiêm 2 mũi thuốc ngày nhưng bà tự học cách tiêm, vì nếu nhờ y tá thì mất thêm 600.000 đồng/tháng.

Những ngày tháng 3, trong giấc ngủ, bà Lan vẫn nhớ như in lời anh Lộc thủ thỉ: “Mẹ ơi! Chừ con ra trường, mẹ cho con đi bộ đội đi, vì bạn bè con rủ”. “Tôi nói thôi con đi thì con cứ đi, mẹ không ngăn cản. Mong con một ngày vinh quang”, bà Lan ngậm ngùi.

Năm 2012, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Quang Thông (bên phải), Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh tại Đà Nẵng nhân dịp tổ chức chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh: Nguyễn Tú
Trong tháng 5 và tháng 6.2012, Báo Thanh Niên đã vận động các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình tri ân gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Qua 2 đợt, chương trình đã hỗ trợ 64 gia đình liệt sĩ, mỗi nhà 30 triệu đồng. Đây là một trong những hoạt động tri ân đầu tiên các gia đình liệt sĩ sau nhiều năm, mở đầu cho cuộc vận động quy mô lớn khi nhiều tổ chức, cá nhân biết đến, tiếp tục tri ân gia đình các liệt sĩ với hành động thiết thực.

Mẹ Trước mong tấm băng rôn P.Khuê Trung tặng được chỉnh sửa lại cho đúng họ liệt sĩ - Ảnh: Nguyễn Tú
Gia đình liệt sĩ Phạm Văn Lợi bày tỏ lòng biết ơn các tổ chức, cá nhân đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình thời gian qua. Tuy nhiên gia đình còn chút tiếc nuối, đó là tấm băng rôn cho UBND P.Khuê Trung tặng gia đình năm 2013 bị in nhầm tên là liệt sĩ Phan Văn Lợi. Dù gia đình vẫn rất trân trọng trang trí bên cạnh bàn thờ liệt sĩ, nhưng vẫn gặp bất tiện khi nhiều đơn vị hỏi vì sao liệt sĩ mang 2 họ khác nhau. Gia đình đã đề đạt với UBND P.Khuê Trung nhưng 5 năm qua vẫn chưa thấy phản hồi và chỉnh sửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.