'Gác' tết cho người dân vui xuân

19/01/2020 00:00 GMT+7

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2020, nhiều đơn vị, lực lượng chức năng tại TP.HCM vẫn miệt mài công việc của mình để góp phần quan trọng cho người dân đón tết, vui xuân.

Đón giao thừa trên xe lửa

Những ngày tết, các đoàn tàu vẫn xình xịch trên đường ray để đưa khách vào nam ra bắc đón tết cùng người thân. Tết đến cũng là thời điểm bận rộn nhất của ngành đường sắt bởi lượng khách tăng cao đột biến.
Hôm 9.1, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn tổ chức lễ ra quân và đón tết trước cho các lái tàu để chuẩn bị vào đợt cao điểm phục vụ hành khách. “Mình làm nghề phục vụ nên dường như không có khái niệm nghỉ tết. Nhìn mọi người mua hoa đào, hoa mai chơi tết, trong lòng cũng thấy chộn rộn khi không có nhiều thời gian sắm sửa cùng vợ con”, lái tàu Lê Văn Duy (38 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ và cho biết việc đón giao thừa trên tàu “cũng hên xui” vì phụ thuộc vào phân công của trực ban. Như đã thành thông lệ sau thời khắc giao thừa, lãnh đạo xí nghiệp gọi điện chúc tết, động viên lái tàu đang trên hành trình chở khách.
Anh Duy cho biết hơn 7 năm làm lái chính thì có 4 lần đón giao thừa trên ca bin với những hồi còi tàu rền vang thay cho tiếng pháo. Tại các toa, tiếp viên đón giao thừa cùng đồng nghiệp và hành khách...

Chung sức vì người bệnh

Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, công tác khám, chữa bệnh những ngày cận tết vẫn diễn ra cấp tập để giúp bệnh nhân sớm trở về quê. Mặt khác, khi dịch bệnh do vi rút Corona mới từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập Việt Nam, thì tại TP.HCM, BV Bệnh nhiệt đới là đầu mối tiếp nhận những ca bệnh nghi ngờ được đưa từ sân bay Tân Sơn Nhất về. Lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới đã chuẩn bị mọi tình huống tiếp nhận, điều trị và các nhân viên y tế cũng trong trạng thái sẵn sàng trực chống dịch trong mùa tết khi có yêu cầu.
'Gác' tết cho người dân vui xuân1

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân Duyên, Phó khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương 10 năm liền đều trực tết

Ảnh: Duy Tính

Vừa khám xong ca bệnh liên quan đến ký sinh trùng, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn cười tươi khi kể với PV Thanh Niên về những cái tết ở BV. “Tết nào cũng trực BV, năm thì trúng ngày 30 tết - đêm giao thừa, năm thì mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3, mà trực ngày 30 là nhiều nhất. Tối giao thừa ai cũng mong muốn sum vầy với gia đình. Còn đối với nhân viên y tế, anh em trực tết thì ai cũng phải như nhau, cứ tới tua là trực nên không thể từ chối nhận trực được”, bác sĩ Mẫn nói và tâm sự thêm: “Ngày 30 thường cúng ông bà, nếu ở nhà thì chuẩn bị bàn thờ, cúng mâm ngũ quả. Năm nay mình cũng trực đêm giao thừa nên phải cúng cơm ông bà sớm”.
“Ngày tết, những người nằm lại BV đều bệnh nặng nên thân nhân cũng phải ở BV luôn. Có những ngày trực tết mà bệnh nhân trở nặng thì xem như mình thức nguyên đêm để theo dõi. Nhìn người bệnh, chúng tôi còn thấy hạnh phúc hơn vì ít ra mình đủ khỏe mạnh để chăm sóc cho họ. Ban đêm, sợ nhất là bệnh trở nặng, sốc 2 ca nặng thì bác sĩ trực cũng thức đồng hành nguyên đêm luôn”, bác sĩ Mẫn chia sẻ thêm. Vợ bác sĩ Mẫn cũng làm chung BV. Nhiều năm liền hai vợ chồng tới tua trực cùng ngày nên đành phải xin đổi tua để có người ở nhà giữ con, đồng nghiệp đều thông cảm.
Còn Trương Thị Trúc Lê, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm A, BV Bệnh nhiệt đới, thì cho biết, trong 27 năm hành nghề, chị đã có 20 năm trực đúng các ngày tết. Năm nay chị Lê trực đêm giao thừa. Là người vợ, người mẹ trong gia đình nên năm nay chị lo sửa soạn cúng ông bà trước khi vào trực. Chị cho biết ông xã luôn thông cảm cho vợ, còn năm nay con gái nói mẹ trực đêm 30 nên hơi... buồn. “Đêm 30 khó nhờ ai trực thay lắm vì ai cũng muốn ở nhà. Mà công việc trực điều dưỡng trưởng ngày tết cũng khá bận rộn. Khoa nào cần gì, kêu gì thì phải tới ngay; rồi đi kiểm tra nhân sự ở các khoa, rồi giữ điện thoại chăm sóc khách hàng; liên hệ các khoa để hội chẩn ca nặng hay BV bạn cần chuyên gia hội chẩn thì liên hệ các khoa cử chuyên gia đi... Mà đặc thù của khoa nhiễm A là bệnh nhân xơ gan (một phần do bia rượu) rất nặng, lại vào giai đoạn cuối, họ ăn tết ở BV và họ cũng buồn, có người ăn tết xong không còn nữa, có người về ăn tết rồi không còn trở lại nữa, nên các y bác sĩ luôn động viên, chia sẻ cùng họ”, chị Lê kể.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân Duyên, Phó khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương, cũng chia sẻ rằng, 10 năm hành nghề chị đều trực tết, năm nay chị trực mùng 3 nên phải tranh thủ về Đồng Tháp thăm gia đình rồi mùng 2 trở lại BV để vào ca trực. “Khi đã chọn nghề bác sĩ thì xác định trực tết là gắn liền với cuộc đời rồi”, chị Duyên nói.
Theo bác sĩ Duyên, các năm trước, ngày tết hay cấp cứu các ca say xỉn, bệnh nhân không hợp tác, thậm chí gây gổ khiến y bác sĩ gặp khó khăn. Chị hy vọng năm nay sẽ bớt những ca cấp cứu vì bia rượu như thế. Một áp lực khác mà bác sĩ cấp cứu tuyến trên phải đối mặt trong các ngày tết là các ca bệnh nặng tuyến dưới chuyển lên rất nhiều khiến các y bác sĩ phải căng mình giải quyết.
Hầu hết lãnh đạo các BV trên địa bàn TP.HCM đều cho biết đã sẵn sàng công tác cấp cứu, điều trị, chuẩn bị thuốc men... cho bệnh nhân. Để chia sẻ, động viên nhân viên trực tết, đêm giao thừa lãnh đạo các BV đều đi thăm, chúc tết và lì xì. Trong các khoa chuyên môn thì có bánh mứt, đặc biệt là... mì tôm dự trữ sẵn sàng vì các ngày tết căn tin BV không hoạt động, quán ăn xung quanh cũng đóng cửa.

Đón giao thừa trên phố

Năm nay 46 tuổi, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Công ty dịch vụ công ích Q.1, đã có thâm niên 28 năm trong công việc làm đẹp đường phố bất kể nắng mưa. Do đặc thù công việc không có ngày nghỉ, kể cả đêm giao thừa nên chị Vân có cả chục năm xem pháo hoa trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1). Nhìn các gia đình vợ chồng dắt con đi chơi, tươi cười xem pháo hoa, chụp hình bên nhau khiến những công nhân vệ sinh không khỏi chạnh lòng. “Khi vào nghề quét rác, anh chị em công nhân vệ sinh đã xác định đón giao thừa trên phố là chuyện thường tình”, chị Vân chia sẻ.
Khi màn pháo hoa kéo dài 15 phút kết thúc cũng là lúc công nhân vệ sinh oằn mình dọn dẹp “bãi chiến trường rác thải” của những người thiếu ý thức để lại. Những ngày lễ tết, rác càng nhiều thì công nhân phải làm lâu hơn. Không chỉ dọn rác, công nhân vệ sinh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ còn phải xịt rửa đường cho sạch sẽ để đón người dân, du khách tham quan đường hoa tết trong ngày đầu năm. “Dọn sạch rác thì đồng hồ cũng đã điểm 5 giờ sáng. Chạy về nhà tắm rửa xong rồi nằm ngủ lấy sức, 15 giờ lại vào ca nên chẳng còn thời gian đi chúc tết bạn bè, người thân”, chị Vân nói về công việc xuyên tết của mình.
Về kỷ niệm đáng nhớ của mình, chị Vân cho biết sau đêm giao thừa năm ngoái, chị bỗng giật mình khi thấy người con trai thứ 2 (năm nay 16 tuổi) gọi mẹ từ phía sau. Khoảnh khắc này khiến chị Vân thấy ấm lòng bởi đây là lần đầu tiên được gặp con ở thời khắc đón chào năm mới. Niềm vui nhân lên nhiều lần khi cậu con trai không mặc cảm về nghề nghiệp của mẹ, mà rủ đám bạn chạy xe máy từ Q.12 lên chúc tết mẹ.
Cũng làm việc tại Công ty dịch vụ công ích Q.1, anh Nguyễn Hoàng Vũ (30 tuổi) cho biết sau tết, khách về phố đi bộ Nguyễn Huệ tham quan đường hoa nên đường phố luôn đông đúc. Khách đông thì rác nhiều do một số người còn thiếu ý thức, quăng rác xuống đường bất kể thùng rác ngay đó. Anh Vũ cho biết cực nhất là thời điểm sự kiện đường hoa kết thúc, lượng rác tăng gấp nhiều lần. Chưa kể, nhiều người đi đường thấy hoa đẹp nên tranh giành, nhưng sau đó lại vứt ở góc đường khiến công nhân phải thu dọn.

Bảo vệ cho dân phố bình yên

'Gác' tết cho người dân vui xuân3

Anh Nguyễn Hữu Nhân đang điều tiết giao thông ở khu vực cầu chữ Y nối Q.5 với Q.8

Ảnh: Trác Rin

Ông Phạm Văn Hể (59 tuổi, ngụ Q.1), Trưởng bảo vệ dân phố P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), cho biết trước đây ông làm cảnh sát khu vực. Trước lúc về nghỉ hưu, Công an P.Phạm Ngũ Lão động viên ông tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Hể cho biết, làm nghề này lương chỉ hơn 2 triệu đồng nên không giàu có được. Vì thế, phải có một chút... đam mê, và vì cái chung cho cộng đồng thì mới gắn bó lâu dài được. Suốt những năm làm nghề, ông Hể chưa được đón giao thừa bên vợ con, mặc dù nhà ông chỉ cách trụ sở dân phố P.Phạm Ngũ Lão vài trăm mét.
“Làm nghề lâu nay cũng quen, nhưng nhiều khi tôi cũng tủi thân, thấy thương vợ vì phải chu toàn hết mọi thứ ở nhà”, ông Hể chia sẻ. Ông cho biết, lực lượng bảo vệ khu phố đã hỗ trợ nhiều cho Công an P.Phạm Ngũ Lão trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là những ngày lễ, tết bởi khu phố Tây tập trung đủ loại thành phần, chưa kể tại công viên 23.9 tệ nạn xì ke, ma túy vẫn còn nhiều. “Chúng tôi đuổi bắt con nghiện và bị chống trả hoài. Những ngày tết, lực lượng khu phố phải làm việc hết công suất để đảm bảo cho bà con được xem pháo hoa, hoặc vui chơi giải trí ở khu phố Tây”, ông Hể nói.
Anh Nguyễn Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ Q.5), trật tự viên giao thông (thuộc lực lượng TNXP TP.HCM) cho biết, hằng ngày anh được đơn vị giao điều tiết giao thông ở những điểm nóng kẹt xe. Trong những ngày lễ, tết, anh được điều động để đảm bảo trật tự giao thông, an toàn cho người dân đón chào năm mới. Gần 20 năm theo nghề, chưa tết nào anh được đón giao thừa bên vợ con. Trong lúc vợ cùng 2 con, cha mẹ già bận rộn cúng kiếng đêm 30 tết, thì anh thường “căng óc” ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, cùng các lực lượng chức năng khác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự quanh khu vực người dân tập trung xem bắn pháo hoa. “Nhiều lúc cũng chạnh lòng vì con cái phải ở nhà với ông bà nội. Mà mình đã chọn cái nghề này thì phải chịu thôi”, anh Nhân chia sẻ.

Tết của cảnh sát hình sự

Đối với các chiến sĩ lực lượng cảnh sát hình sự nói chung và trung úy Nguyễn Thanh Phong (27 tuổi, Đội cảnh sát hình sự, Công an Q.2) nói riêng, từ khi bắt đầu công việc, họ đều không biết hương vị tết bên gia đình là như thế nào. Trung úy Phong chia sẻ, trong tết, đa số công việc của lực lượng trinh sát sẽ nhiều hơn so với những ngày thường. Bởi cuối năm, tội phạm trộm cắp, cướp giật tăng cao; đến tết thì tệ nạn cờ bạc, đánh nhau, xô xát lại càng phức tạp.

Dù không được gần gia đình vào dịp tết nhưng mình vẫn cảm thấy vui, vì bản thân cũng góp phần giúp người dân có một cái tết trọn vẹn hơn

Trung úy Nguyễn Thanh Phong (Đội cảnh sát hình sự, Công an Q.2)

'Gác' tết cho người dân vui xuân2

Trung úy Nguyễn Thanh Phong (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội trong một lần đi trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trước tết

Ảnh: NVCC

Trung úy Phong cho biết: “Công an, đặc biệt là công an ở tổ hình sự thì chẳng khi nào được nghỉ tết. Đêm 30, mùng 1 là tất cả chúng tôi đều phải tập trung tại cơ quan, rồi phân nhau đi tuần tra. Đảm bảo trong 3 ngày tết, lực lượng cảnh sát đều phải có mặt đầy đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh cũng như đảm bảo an ninh trong khu vực cho người dân. Tới mùng 6, chúng tôi mới chia ca trực, tranh thủ về nhà để lo cho gia đình, chứ không có việc được nghỉ ngơi xuyên tết”.
Nói về chuyện “gác” tết, trung úy Phong bộc bạch: “Chia sẻ thật thì đôi lúc cũng buồn, những lúc đứng bảo vệ khu vực bắn pháo hoa, thấy gia đình người ta chở nhau đi xem, mình lại buồn vui lẫn lộn”. Tuy nhiên, với trung úy Phong, nỗi buồn lại được khỏa lấp bằng một niềm vui lớn hơn, là được thấy người dân an vui đón tết.
Trung úy Phong kể, trực tết vừa cực vì công việc rất nhiều, vừa nguy hiểm vì tội phạm những ngày đầu và cuối năm rất manh động. Trung úy Phong nhớ hoài cái tết năm 2017, vào ngày mùng 4, khi đang giải quyết một vụ đánh nhau, anh bị một đối tượng cầm dao từ phía sau đâm tới. Trung úy Phong nhanh tay đỡ được một đường dao chí mạng nhưng dao lại găm trúng cánh tay trái. Chỉ vào vết sẹo trên cánh tay, anh kể: “Tết năm đó gia đình ai cũng buồn, ba mẹ cũng có nói, hay là con chuyển qua bộ phận khác cho đỡ nguy hiểm hơn, cũng có thời gian nghỉ tết với gia đình”.
Trung úy Phong bộc bạch: “Vậy chứ nghỉ phép dưỡng thương xong tôi lại tiếp tục đi làm, vì mình yêu thích công việc này, nghề nghiệp thì lâu lâu cũng có tai nạn là chuyện thường tình, ai cũng sợ thì làm sao có người bảo vệ người dân. Mất cái này thì được cái khác, dù không được gần gia đình vào dịp tết nhưng mình vẫn cảm thấy vui, vì bản thân cũng góp phần giúp người dân có một cái tết trọn vẹn hơn”.
Trung úy Phong là con út trong nhà. Mỗi dịp tết, gia đình quây quần, các anh chị ở riêng cũng về với ba mẹ, bản thân anh vì công việc lại không thể có mặt. Tuy nhiên, trung úy Phong cho rằng: “Mình đã chấp nhận vào cái nghề này thì phải hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo người dân đón tết thật an toàn. Mới đầu thấy tôi không về, ba mẹ cũng buồn, nhưng từ từ cũng quen, vì công việc của con mình mà. Sau khi người dân ăn tết xong thì lúc đó chúng tôi bắt đầu đón năm mới, được nghỉ khoảng 2 - 3 ngày để ở bên gia đình. Cũng may ba mẹ đều ở gần nên tôi cũng kịp tranh thủ về nhà phụ giúp”.
Đều bận rộn công việc vào những ngày tết, tuy nhiên trung úy Phong tự nhận bản thân mình may mắn hơn các anh em trong đơn vị, những người có gia đình ở quá xa. 8 năm liền không ở cùng gia đình phút giao thừa, trung úy Phong thấu hiểu nỗi nhớ nhà của những chiến sĩ công an trẻ tuổi vào những ngày giáp tết. Vì vậy, vừa là người anh, vừa là Bí thư Đoàn Công an Q.2, tết năm nào trung úy Phong cũng cố gắng tạo nhiều hoạt động giúp đồng đội vơi bớt nỗi nhớ gia đình, tập trung hoàn thành nhiệm vụ.
Hà Nội: Bệnh viện phục vụ “xuyên” tết
Hà Nội: Bệnh viện phục vụ “xuyên” tết

Nhân viên Phòng Công tác xã hội BV K hướng dẫn BN và người nhà về công tác điều trị trong kỳ nghỉ Tết Canh Tý

Ảnh: Liên Châu

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết lãnh đạo Bộ Y tế vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác khám chữa bệnh cấp cứu trong dịp Tết Canh Tý. Đáng lưu ý, trước nguy cơ dịch bệnh mùa đông xuân bùng phát và bệnh viêm phổi do vi rút Corona mới, Bộ Y tế đã yêu cầu hệ thống y tế dự phòng chủ động giám sát dịch, kịp thời phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ.
Lãnh đạo BV Bạch Mai (Hà Nội) chỉ đạo duy trì hoạt động khám chữa bệnh trong suốt kỳ nghỉ Tết âm lịch song song với việc tiếp nhận các ca cấp cứu. BV tổ chức phục vụ các suất ăn miễn phí 2 bữa/ngày cho tất cả bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh từ 30 tết đến hết mùng 3 Tết Canh Tý.
Còn PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K T.Ư, cho biết: “Ngay sát Tết Canh Tý, BV đã tổ chức hàng chục chuyến xe miễn phí với 3 đợt đưa bệnh nhân về quê ăn tết”.
BV Phụ sản T.Ư cũng thông báo giờ làm việc tại khoa khám bệnh và khoa khám bệnh theo yêu cầu dành cho người bệnh ngoại trú. Theo đó, ngày 23.1 (29 tết) và 28.1 (mùng 4 tết): khám tại khoa khám bệnh theo yêu cầu; ngày 26.1 (mùng 2 tết), 27.1 (mùng 3 tết) và 29.1 (mùng 5 tết): khám tại khoa khám bệnh tòa nhà G; 24.1 (30 tết): khám tăng cường tại phòng khám cấp cứu tòa nhà BC. 
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.