'Gạch men hóa' di tích

14/09/2015 06:00 GMT+7

Các loại gạch men thường dùng để ốp công trình phụ đang được sử dụng ngày càng nhiều để ốp lát trong các di tích.

Các loại gạch men thường dùng để ốp công trình phụ đang được sử dụng ngày càng nhiều để ốp lát trong các di tích.

Các loại gạch men thường dùng để ốp công trình phụ đang được sử dụng ngày càng nhiều để ốp lát trong các di tích.

'Gạch men hóa' di tíchBên trong chùa Hậu Xá gạch men được ốp khắp nơi - Ảnh: Dũng Minh
Chùa Hậu Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là di tích đã được xếp hạng cấp thành phố. Tuy nhiên, di tích này giờ trông khá “tân thời” với gạch men (loại gạch hay được dùng để ốp bếp hoặc nhà vệ sinh) ốp khắp nơi - trên tường, dưới sàn, ngoài hành lang, trên miếu và ban thờ nhỏ ngoài sân...
“Chỉ có ốp ít hay ốp nhiều, ốp một khoảng hay ốp từ đầu đến chân thôi. Chứ còn di tích có sử dụng gạch men để ốp giờ nhiều lắm”, ông Nguyễn Hoài Nam, một “hiệp sĩ bảo vệ di sản” của nhóm Đình làng Việt nói. Ông Nam cũng kể ra những chùa có nhiều hạng mục ốp gạch men gồm: chùa Vạn Phúc, La Khê (Hà Đông), chùa Phúc Lâm - Du Nội (Đông Anh, Hà Nội)... Ở các đình làng, hiện tượng này theo ông Nam cũng nhiều. “Nó thành một xu hướng ốp gạch men di tích rồi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói.
'Gạch men hóa' di tích 2Bên dưới cột đá ở chùa La Khê là phần sàn ốp đá và gạch men mới - Ảnh: Ngọc Thắng
Gạch men không phù hợp cho di tích
Ông Đặng Việt Long, giảng viên ĐH Xây dựng Hà Nội, cho rằng gạch men có một đặc điểm cơ bản là dễ lau chùi, dễ vệ sinh. “Về công năng sử dụng thì chẳng ảnh hưởng gì, chỉ có về thẩm mỹ thì xấu hơn thôi”, ông Long nói.
Trong khi đó, ông Trần Nhật Khôi, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: “Gạch men xấu và bóng. Những vật liệu ngày xưa không bao giờ có độ bóng, cả sàn bằng đá cũng không bóng. Như thế, cảm giác gạch men không phù hợp”, ông Khôi nói.
'Gạch men hóa' di tích 3Hành lang chùa Hậu Xá được ốp gạch men mới sáng bóng - Ảnh: Dũng Minh
Cũng theo ông Khôi, nếu mục đích lát gạch men để chống thấm thì hoàn toàn có thể áp dụng những cách khác. Chẳng hạn, có những vật liệu phun lên để tạo thành lớp màng bên ngoài, rồi vữa hoặc phun sần mấy lớp để tạo sức cản vật liệu. Tuy nhiên, việc lát gạch men được ưa chuộng có thể do gạch men rất rẻ và thợ cũng quen làm.

Người ta sản xuất gạch men cho những chỗ khác chứ không phải cho di sản. Còn di sản thì ta có thể dùng vật liệu khác, hoặc thậm chí là phục chế vật liệu cho di sản 

KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

“Có loại gạch nung hoặc gạch thẻ chuyên để ốp ngoài. Nó sẽ đắt hơn gạch men kia song không bóng và lại tạo cảm nhận xốp, mỏng. Loại đó cũng không đắt hơn nhiều lắm. Nếu đã kỹ càng về thẩm mỹ thì không ai dùng gạch men để ốp di tích cả”, ông Khôi nói. Thậm chí, theo ông, việc làm này còn cho thấy tư duy, trình độ của người làm tu bổ di tích. Nếu đã dám ốp gạch men thì cũng nên coi chừng những chỗ khác bị làm sai lệch như tường rào, gạch lát, công trình phụ...
Về việc này, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nhận định: “Ốp gạch men như vậy là không đúng rồi. Sở đã có văn bản yêu cầu huyện Ứng Hòa báo cáo về việc sửa chữa này”.
Vật liệu mới phải phù hợp với di tích
Về xu hướng lát gạch men cho di tích, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng: “Hướng bảo tồn tốt nhất là bảo tồn vật liệu. Quan điểm này đã được làm rất tốt ở Đức và Huế cũng theo rất tốt xu hướng này. Họ đã làm lại những vật liệu xưa. Điều này, Viện Bảo tồn di tích cũng kiên trì làm nhiều năm nay. Tại các di tích, người ta sử dụng tối đa các vật liệu truyền thống để bảo tồn”.
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng khi xã hội phát triển thì sẽ phát sinh nhiều vật liệu mới. Chính vì thế, cũng không nên cấm cửa các vật liệu mới. “Vật liệu mới không được làm di tích mất đi những phẩm chất vốn có của nó. Cũng có những vị trí đặc biệt trong di tích như bệ thờ đá thì phải giữ bằng được những cái vốn có của nó”, ông Vinh nói.
Điều đó có nghĩa là, trong chừng mực không gây xáo trộn trong di tích, hoàn toàn có thể sử dụng vật liệu mới trong đó. Vấn đề là phải tìm được vật liệu phù hợp. Vật liệu đó có thể mới nhưng không được xa lạ với tổng thể và tạo thành sự tiếp nối với cái cũ và không phá nhau. “Người ta sản xuất gạch men cho những chỗ khác chứ không phải cho di sản. Còn di sản thì ta có thể dùng vật liệu khác, hoặc thậm chí là phục chế vật liệu cho di sản”, ông Vinh nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.