Găm xăng chờ lên giá, phải phạt thật nặng

Kim Lan
Kim Lan
29/05/2020 05:30 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng việc găm xăng chờ tăng giá, trục lợi thực chất là hành vi thao túng thị trường, cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt và xử phạt thật nặng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, mặc dù vẫn còn 20.000 lít xăng nhưng một cửa hàng xăng dầu trên phố Vũ Ngọc Phan (Q.Đống Đa, Hà Nội) vẫn kêu “hết xăng”, không bán nữa. Đến khi quản lý thị trường kiểm tra, vụ găm hàng chờ tăng giá này mới rõ trắng đen.

Hành vi cố ý để trục lợi

Hành vi của cây xăng nói trên được bạn đọc (BĐ) gọi là “ủ mưu găm hàng chờ tăng giá” (Trà Trần) hay “ém hàng chờ tăng giá” (Vietroad).
Trong khi đó, BĐ Trường Phúc phân tích: “Ai kinh doanh cũng muốn được lãi lớn”, nhưng phải lưu ý “đừng để vi phạm pháp luật”. Theo BĐ, mặt hàng xăng dầu là thiết yếu, có hẳn Quỹ bình ổn giá để điều tiết, nên với mọi hành vi trục lợi, thao túng thị trường đều “cần xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật”. Cũng với nhận xét tương tự, BĐ Trần Thanh Nguyễn hài hước kêu gọi “hãy giúp họ được toại nguyện” bằng cách “không muốn bán thì khỏi cho bán luôn”.

Cái này là gian thương đục nước thả câu. Thực sự là rất đáng buồn!

Anh Kiệt

Sở dĩ xuất hiện tình trạng các cửa hàng xăng dầu cố ý “hạn chế bán ra” là vì họ “chờ” kỳ điều hành giá xăng vào chiều 28.5, khi giá xăng dầu thế giới đang đà tăng.
BĐ Sơn ĐX phân tích vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, được sử dụng quỹ bình ổn nên “các cây xăng buôn bán luôn được đảm bảo tỷ lệ % lãi, dù giá xăng có tăng hay giảm”. Vì vậy, cũng theo BĐ Sơn ĐX, hành vi của cửa hàng trên “thực chất vì tham lam nên mới găm hàng. Cần xử nghiêm!”.
Tán thành, BĐ Hoàng Nam đề nghị cách xử lý tốt nhất là “găm xăng đợi tăng giá thì xử phạt bằng 50% giá trị lượng xăng đó, xem lần sau có dám thế nữa không?”. Thậm chí, BĐ Anh lái tàu họ Nhạc viết: “Tịch thu luôn số xăng các cửa hàng tích trữ, găm hàng mới mong giảm bớt tình trạng này”.

Cần rút luôn giấy phép kinh doanh !

Nhiều BĐ đề nghị “cơ quan chức năng cần khẩn trương thu hồi giấy phép kinh doanh” của cửa hàng sai phạm, đồng thời lực lượng quản lý thị trường phải kiểm tra thường xuyên hơn nữa để đảm bảo thị trường được “sạch và công bằng”.
“Cửa hàng đã không muốn bán thì cứ chiều theo ý họ, rút giấy phép kinh doanh là xong, để răn đe cho kiểu kinh doanh bất chấp trên thị trường”, BĐ Van Dung Vung kiến nghị. Đồng tình, BĐ Tu Do viết: “Găm hàng tạo khan hiếm ảo, chờ tăng giá bán kiểu gian thương như vậy nên rút giấy phép không cho bán nữa”.

Có khó gì, cứ tịch thu 20.000 lít xăng mà chủ cây xăng nói hết xăng đóng cửa không bán. Vì dựa theo lời khai hết xăng thì 20.000 lít xăng này ở đâu ra, coi như không có đi.    

Khoa Thủ Đô

BĐ cũng đặc biệt bức xúc với thái độ của cửa hàng trưởng khi không chấp hành yêu cầu của quản lý thị trường mở bồn chứa xăng để đo lường, phải đến khi công an tới can thiệp mới chấp hành.
“Phạt mức tối đa vào. Có thể luật chưa thể phạt nặng hơn nhưng vẫn có thể cho chi nhánh/doanh nghiệp vào danh sách cần theo dõi để thanh tra xử phạt tiếp. Một lần không chừa thì nhiều lần sẽ chừa”, BĐ tr***@gmail.com viết. BĐ Trung Giang cũng đề xuất: “Rút giấy phép vài cây xăng như thế này, để làm gương. Gian dối để ngưng bán, đầu cơ thì cơ quan chức năng cho nghỉ bán luôn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.