Bi tráng với giai điệu game bất hủ The Elder Scrolls

03/09/2015 16:00 GMT+7

Hơn 20 năm phát triển và gắn bó mật thiết với lịch sử ngành game, The Elder Scrolls là một trong những thương hiệu quen thuộc nhất với game thủ toàn thế giới. Không chỉ mang đến nhiều cuộc cách mạng về hình ảnh, lối chơi, dòng game này còn đóng góp những giai điệu bất hủ.

Những điệu MIDI và thuở hồng hoang u ám

Ra đời vào năm 1994, The Elder Scrolls: Arena – viên gạch đầu tiên của tượng đài – được phát hành vỏn vẹn trong một chiếc đĩa mềm 1.4 MB, khá bất ngờ là trò chơi “đụng” phải nhiều búa rìu và sự phán xét rất gắt gao của giới phê bình. Tuy vậy, Bethesda Softworks vẫn thu được doanh số khá ổn, và phần nào làm thay đổi cái nhìn của game thủ về dòng game nhập vai góc nhìn thứ nhất.

Do vận hành trên nền tảng Microsoft DOS, những giai điệu của The Elder Scrolls: Arena chỉ được tạo thành bởi những bài nhạc MIDI thô sơ, đơn giản và khá u ám, phong cách này cũng được kéo dài trong hai phiên bản tiếp theo là Daggerfall  (1996) Battlespire (1997).




Trên thực tế, trong giai đoạn này những tựa game có màu sắc u ám, bạo lực và khá đen tối đang là “mốt” của những nhà làm game, đặc biệt là thể loại Fantasy. Thế giới “rồng và hầm ngục” khắc nghiệt và nguy hiểm đến tột cùng.

Lịch sử dòng game thay đổi 180 độ trong phiên bản The Elder Scrolls: Redguard (1998). Ra mắt cùng thời điểm với Tomb Raider 3, Redguard chưa thể so đọ về đồ họa với cô nàng nóng bỏng Lara Croft. Tuy nhiên, tư duy làm game của Bethesda Softworks đã có những bước tiến vượt bậc và đặt nền tảng vững chắc cho những phiên bản sau này của hãng.


Giai điệu đổi mới bất ngờ của Redguard

Trong vai Cyrus – nhân vật chính thuộc chủng tộc Redguard – người chơi khám phá Tamriel dưới vị thế một kẻ phiêu lưu lang bạc, lãng tử. Trò chơi sở hữu những bối cảnh đặc trưng của vùng Hammerfell: những quần đảo nhỏ, những chuyến vượt biển, rặng dừa xanh rì dưới cái nắng gay gắt… Chính vì sự thay đổi phong cách bất ngờ này mà âm nhạc của The Elder Scrolls: Redguard có chút âm hưởng… vùng biển caribe khá đặc biệt trong toàn bộ series.

Cuộc cách mạng Morrowind và điệu nhạc bất hủ

Năm 2002 đánh dấu một bước ngoặt lớn của dòng game The Elder Scrolls nói riêng và ngành game thế giới nói chung, khi Morrowind ra mắt trên “ngôi nhà mới” Windows và là một trong những game đầu tiên áp dụng engine đồ họa Gamebryo.

Trò chơi nhanh chóng gặt hái hàng loạt thành công lớn, đạt được doanh thu “khủng” toàn cầu và đập vỡ các giới hạn không tưởng của những cơ chế game thời bấy giờ. Đáng chú ý, Morrowind còn là gây chú ý nhờ những bài nhạc nền của mình, mà sau này đều trở thành những giai điệu bất hủ của ngành game.


Giai điệu bất hủ của ngành game thế giới

Nhạc trưởng đứng sau những giai điệu này không ai khác ngoài Jeremy Soule – lúc bấy giờ chỉ mới 27 tuổi – từng thành danh với những game như Total Annihilation, Baldur’s Gate, Harry Potter and the Philosopher’s Stone. Nhưng phải đến khi ông “chạm tay” vào dòng game The Elder Scrolls, cả hai mới tìm được chính người bạn tri kỷ của mình.

Bài nhạc Nerevar Rising – dùng làm nhạc nền menu và âm hưởng đại diện game – đi vào lịch sử ngành game với tư cách một trong đoạn hòa tấu kinh điển nhất. Sức ảnh hưởng của nó vẫn còn đến tận ngày nay, bởi lẽ những đoạn nhạc chính của Oblivion, Skyrim, The Elder Scrolls Online đều được biến tấu trên giai điệu nền tảng này.


Những điệu trầm buồn kinh điển của Morrowind

Với sự trầm buồn đặc trưng nhưng không kém phần bi tráng, Morrowind được đánh giá là một trong những “bộ sưu tập âm nhạc” sâu lắng và đầy cảm xúc nhất của dòng game.

Vinh quang của Oblivion và vương tộc Septim

4 năm sau Morrowind, Oblivion (2006) ra mắt và nổ tung như một quả bom nguyên tử. Trò chơi cũng đánh dấu những bước tiến công vững chắc của Bethesda Softworks trên hệ máy console. Tại Việt Nam, Oblivion được đánh giá là “sát thủ phần cứng” hàng đầu, và là một trong những game được các trang tin công nghệ sử dụng làm “chuột bạch” thường xuyên nhất ở chuyên mục thử nghiệm phần cứng.


Giai điệu Morrowind được tấu lại trong Oblivion

Tiếp nối sự thành công và dư âm từ Morrowind, Oblivion thể hiện sự bi tráng và day dứt trong các âm điệu của mình. Đặc biệt khi trò chơi xoay quanh một cốt truyện với nhiều tình tiết đầy cảm xúc: cái chết của Hoàng Đế ngay từ đầu game, sự suy vong của huyết thống cầm quyền Septim, sự nổi dậy của loài quỷ dữ bên kia cõi Oblivion…


Một giai điệu đầy gợi mở và gây cảm hứng mạnh

Dạo bước trong những cánh rừng bên ngoài Kvatch, lén lút dưới cơn mưa giữa trời đêm mịt mù ở Skingrad, và lắng nghe các giai điệu trầm bổng của Jeremy Soule,… thật sự là những trải nghiệm đầy ám ảnh và không thể lãng quên.

Đỉnh cao ngất ngưởng mang tên Skyrim

Phiên bản gần đây nhất của dòng game vào năm 2011 là The Elder Scrolls: Skyrim (nếu không tính đến The Elder Scrolls Online) đưa người chơi về miền tuyết trắng lạnh lẽo bậc nhất cõi Tamriel: cao nguyên của những ngọn núi cao nhất thế giới Skyrim. Và quả thật, chính phiên bản này cũng đã đạt đến đỉnh cao chót vót của dòng game, nếu không muốn nói là thể loạt RPG nói chung khi đạt con số 20 triệu bản được bán ra (chỉ thua Diablo 3 với kỷ lục 30 triệu bản, nhưng đối thủ này lại nằm ở phân vùng RPG rất khác biệt).


Bản nhạc hùng tráng của Skyrim

Với bản tính dũng mãng và ưa thích sự oai dũng như chủng tộc Nord – những đứa con của vùng Skyrim – bản nhạc nền chủ đạo Dragonborn được Jeremy Soule truyền tải những giai điệu vô cùng mạnh mẽ, dồn dập và đầy hào khí. Tất nhiên, những giai điệu này vẫn lấy cảm hứng rất lớn từ bài nhạc Morrowind kinh điển năm nào.

Không những thế, sự dồn dập này còn được đẩy lên cao độ trong những bản nhạc nền khi người chơi đụng độ… rồng. Sự hùng tráng và mức độ “long trời lở đất” càng được đẩy lên mức tận cùng.

Tuy nhiên, không thiếu những bản trầm buồn đủ sức lay động lòng người – món đặc sản của Jeremy Soule – vang lên khi người chơi phiêu lưu dưới trời tuyết trắng, khám phá những ngóc ngách lạnh lẽo và cô độc.


Bộ ba nhạc nền Morrowind - Oblivion - Skyrim khi so sánh cạnh nhau

Cho đến nay, The Elder Scrolls đã trở thành tượng đài thật sự của làng game, được nhiều nhười trông ngóng phiên bản tiếp theo. Trong khí đó, Jeremy Soule liên tục gặt hái nhiều thành công và đang được mệnh danh là “John Williams* của ngành game”.

Chưa thể biết được phiên bản The Elder Scrolls tiếp theo và Jeremy Soule sẽ kết hợp theo phong cách nào, nhưng chắc hẳn, đó đều là những giai điệu thiên tài vô cùng đáng mong đợi.

*John Williams là nhạc sĩ thiên tài của điện ảnh thế giới, nổi tiếng với những bản nhạc trong Star Wars, Indiana Jones…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.