Gần 100 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough

23/05/2012 14:21 GMT+7

(TNO) Chính phủ Philippines trong hôm nay, 23.5, đã tố cáo Trung Quốc gửi gần 100 tàu đến bãi cạn Scarborough ở biển Đông bất chấp những cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 tháng.

(TNO) Chính phủ Philippines trong hôm nay 23.5 đã tố cáo Trung Quốc gửi gần 100 tàu đến bãi cạn Scarborough ở biển Đông bất chấp những cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 tháng.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết vào lúc 19 giờ (giờ địa phương) ngày 21.5, có hai tàu hải giám 71 và 84, ba tàu ngư chính 301, 303 và 310 xuất hiện bên trong khu vực đầm của bãi cạn cùng với 10 tàu cá Trung Quốc, theo tờ Philippines Star.

Ngoài ra, còn có thêm sáu tàu cá thả neo bên ngoài tàu. Cũng trong hôm 21.5, có 56 tàu đa nhiệm xuất hiện ở bãi cạn, có 27 chiếc ở bên trong đầm và 29 chiếc bên ngoài.

Trong hôm 22.5, đã có tới 16 tàu cá và 76 tàu đa nhiệm xuất hiện tại bãi cạn, theo Bộ Ngoại giao Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định nước này hiện chỉ có hai tàu tại khu vực.

Cũng theo ông này, các tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt và lấy san hô bất chấp lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc và Philippines.

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, Philippines đã gửi kháng nghị thứ bảy đến chính phủ Trung Quốc về những “hành động tiếp tục làm leo thang căng thẳng” tại bãi cạn Scarborough.

“Vì thế, Philippines yêu cầu các tàu Trung Quốc rút ngay khỏi Bajo de Masinloc và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đồng thời yêu cầu Trung Quốc kiềm chế thực hiện thêm những hành động có thể làm xấu đi tình hình tại biển Đông”, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Hernandez.

Bajo de Masinloc là cách Bộ Ngoại giao Philippines gọi bãi cạn Scarborough, còn quân đội nước này gọi là bãi cạn Panatag, trong khi Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cụ thể là điều 2 khoản 4 vốn quy định: “Tất cả các thành viên từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hiệp Quốc”.

Hiện tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila lẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về tố giác của Philippines.

Sơn Duân

>> Thế trận binh lực của Trung Quốc
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ
>> Tùy viên quân sự Trung Quốc “lên lớp” nhà báo Philippines
>> Trung Quốc sắp hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa dành riêng cho biển Đông
>> Philippines lại nhận tàu không có vũ khí
>> Nhiều nước giúp Philippines tăng cường quân sự
>> 5 tàu chiến Trung Quốc tiến gần hải phận Philippines
>> Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.