Gần 200 cuộc điện thoại phản ánh tình trạng 'ép' khách hàng mua bảo hiểm

Mai Phương
Mai Phương
31/03/2023 13:33 GMT+7

Sau hơn 1 tháng, đường dây nóng của Bộ Tài chính tiếp nhận phản ánh tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm đã nhận được nhiều cuộc điện thoại và email của người dân.

Tại cuộc họp báo chiều 30.3 của Bộ Tài chính, liên quan đến đường dây nóng phản ánh tình trạng ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - cho biết sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và đơn vị cũng nhận được 218 email của người dân về vấn đề này. Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thực hiện theo quy định. Cục đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.

Gần 200 cuộc điện thoại phản ánh tình trạng 'ép' khách hàng mua bảo hiểm - Ảnh 1.

Đường dây nóng Bộ Tài chính tiếp nhận gần 200 cuộc điện thoại phản ánh về bảo hiểm sau hơn 1 tháng

NGỌC THẮNG

Từ cuối năm 2022 đến nay, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bảo hiểm qua ngân hàng. Hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, trong thời gian ngắn nhất sẽ ban hành kết luận. Sau khi có kết luận sẽ công bố, nếu thanh tra phát hiện sai phạm nhất định sẽ xử lý theo quy định luật.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng. Thứ trưởng khẳng định: Đường dây nóng lúc nào cũng thông suốt, vừa hướng dẫn, phản ánh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Cũng theo Bộ Tài chính, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu ngành bảo hiểm. Hoạt động này chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng hơn 15%, trong đó, 73% là bảo hiểm nhân thọ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.