Theo đó KTS Ngô Viết Nam Sơn cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư… như nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp, KTS Kevin Doan, KTS Sơn Đặng, Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM Phùng Anh Tuấn, nhà nghiên cứu di sản - du lịch Tim Doling, chủ tịch Đài Di sản Daniel Caune, KTS Cao Thành Nghiệp… đã ký vào bản kiến nghị gửi trực tiếp đến ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP kiến nghị hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy Dinh Thượng Thơ.
Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm. Đưa Dinh Thượng Thơ và các kiến trúc lịch sử UBND, Nhà hát TP, Bưu điện và Nhà thờ Đức Bà vào diện bảo tồn. Khi tái cấu trúc TP, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có Bảo tàng, Nhà hát lớn, Dinh Độc Lập, UBND, Nhà Thờ Đức Bà, Thư viện Tổng hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp.
|
Lý do bảo tồn Dinh Thượng Thơ được các nhà trí thức đưa ra là dinh được tu sửa như tòa nhà hiện nay vào năm 1882, trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chánh quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định, hồ sơ hành chánh. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia định báo cũng được gởi từ đây đi đến tỉnh thành, làng xóm ở Lục Tỉnh. Đã hơn 130 năm, qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, tòa nhà Dinh Thượng Thơ ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác đã biến mất.
Dưới góc độ quy hoạch và bảo tồn, ông Nguyễn Đức Hiệp, nhà nghiên cứu khoa học và di sản, cho rằng giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ TP. Trụ sở UBND TP dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới do Gensler thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và Pasteur. Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.
|
Đến nay, kiến trúc UBND và Dinh Thượng Thơ rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á nếu bị Gensler gắn cho phương án giống tòa nhà Unilever Headquarters ở Jakarta (Indonesia) thì mất đi giá trị lịch sử và đặc thù.
“Cách quản lý di sản và luật Di sản đang có vấn đề nghiêm trọng khi việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn nên bị phá bỏ. Nếu vậy những công trình cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện… chưa là di tích cũng sẽ bị phá bỏ? Trong khi Singapore, diện tích 700km2 có 7.000 công trình, 72 khu vực, tượng đài, di tích được bảo tồn so với TP.HCM diện tích 2.000km2 chỉ có hơn 100 công trình và di tích”, ông Nguyễn Đức Hiệp đặt vấn đề.
Về góc độ kinh tế, KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng TP.HCM kẹt xe và không di sản sẽ giảm du khách, giảm sức mua sắm, ảnh hưởng lên kinh doanh của các trung tâm thương mại, gây hậu quả trực tiếp và ngay lập tức đến nguồn thu nhập thuế của TP. Không những vậy, đậu xe và kẹt xe ngay trung tâm TP đang là vấn nạn chưa lối thoát, thêm 1.700 nhân viên và hội họp sẽ tốn thêm năng lượng lớn, mâu thuẫn với chủ trương "hành chánh thông minh”. Ngoài ra tập trung nhiều cơ quan rất khó bảo đảm an ninh trong biến cố bất ngờ.
“Vì những lý do trên và vì chúng tôi lo ngại di sản lịch sử và ký ức đô thị thành phố bị mai một phá hủy, chúng tôi thỉnh nguyện UBND TP bảo tồn Dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chánh”, KTS thay mặt các trí thức kiến nghị.
Bình luận (0)