Gần 48% doanh nghiệp ở TP.HCM nợ bảo hiểm xã hội

15/06/2020 09:31 GMT+7

Toàn TP.HCM có hơn 89.500 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội thì có đến 42.680 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội từ 1 - 3 tháng (gần 48%).

Ngày 14.6, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về chủ đề “Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - Quyền lợi người lao động”, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục ảnh hưởng đến nguồn quỹ.
Toàn TP.HCM có hơn 89.500 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH thì có đến 42.680 đơn vị nợ đọng BHXH từ 1 - 3 tháng (gần 48%).
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết đa số doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH để làm việc khác, khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt và đóng tiền nợ.
Sau khi luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được chuyển sang liên đoàn lao động nhưng do thủ tục rườm rà, tốn kém cho người lao động nên số vụ kiện “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Chưa kể, nếu người lao động thắng kiện thì cũng khó thi hành án do chủ doanh nghiệp tẩu tán tài sản, còn mặt bằng và máy móc thì đi thuê.
Theo quy định, sau một năm mà doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào ở TP.HCM bị khởi tố về tội trốn đóng BHXH.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN. Sở LĐ-TB-XH và BHXH TP.HCM cần giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra mà chuyển sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19; kiên quyết xử lý trường hợp trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH, BHTN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.