Gần 70% doanh nghiệp logistics bị sụt giảm lợi nhuận

Mai Phương
Mai Phương
06/12/2023 16:31 GMT+7

Bị ảnh hưởng chung từ kinh tế toàn cầu và kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp logistics năm nay giảm lợi nhuận.

Ngày 6.12, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2023. Trong đó vẫn là những doanh nghiệp logistics quen thuộc như Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần; Công ty CP Gemadept ở nhóm ngành giao nhận quốc tế, kho bãi; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty CP Vận tải dầu khí ở ngành vận tải hàng hóa... 

Theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm nay. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể. Điều này do ảnh hưởng từ diễn biến xấu khó lường của kinh tế toàn cầu khiến kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Gần 70% doanh nghiệp logistics bị sụt giảm lợi nhuận - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp logistics giảm mạnh lợi nhuận

ĐỘC LẬP

Hiện nay, các doanh nghiệp logistics trong nước đang đối mặt với những thách thức như giảm số lượng đơn hàng do kinh tế tăng trưởng chậm. Đây là yếu tố tiêu cực có tác động nhanh nhất tới doanh nghiệp logistics, nhất là các doanh nghiệp phục vụ hoạt động logistics quốc tế.

Thứ hai, cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ từ 3 - 5 năm để giành được thị phần. Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử thì các doanh nghiệp này cũng mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp. 

Thứ ba là nhóm các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp gồm biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao, khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, yếu tố chi phí còn liên quan tới cơ sở hạ tầng phục vụ ngành logistics. Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc… Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thuận tiện hơn chưa thể thúc đẩy ngành logistics trong ngắn hạn. 

Cuối cùng, khó khăn về nhân lực chi phối và làm hạn chế năng lực trong doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Valoma, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 lao động. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.