Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết sáng nay, 6.10, tại cuộc họp báo về tình hình lao động, việc làm quý 3/2020.
31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động (NLĐ) sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4.2020.
Tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
Sau khi giảm sâu kỷ lục vào quý 2, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3 đã tăng thêm 1,4 triệu người (lên 54,6 triệu), song vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm khu vực phi chính thức là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước, và tăng 149.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải điều này, bà Vũ Thị Thu Thủy cho hay: “Tình hình sản xuất kinh doanh và thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh số NLĐ Việt Nam được hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, bắt buộc họ phải tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại khu vực phi chính thức để có thêm thu nhập. Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững, do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội”.
Thất nghiệp ở khu vực thành thị cao nhất 10 năm qua
Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị giảm so với quý trước, nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63.000 người so với quý trước, nhưng tăng 148.200 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước, và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý 3/2020 là 7,24%, cao gấp 4,2 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở TP.Hà Nội và TP.HCM khá cao, tương ứng là 9,25% và 10,47%.
Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo là 12,9%, tương đương với 1,35 triệu người; tăng 0,2% so với quý trước và giảm 0,6 % so với cùng kỳ năm trước. Đa số thanh niên không đi học, không đi làm là do làm việc nhà/nội trợ hoặc các công việc gia đình (36,5%).
Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,3 triệu người, giảm 81.400 người so với quý trước và tăng 560.400 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm tỷ trọng là 49,3% .
Thu nhập của người lao động trong quý 3 đạt bình quân 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước, và giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động ở khu vực thành thị là 7,0 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,8 triệu đồng.
Tổng cục Thống kê dự báo, với những biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19 như hiện nay, 81% doanh nghiệp lạc quan thị trường sẽ khôi phục trong quý 4. Tình hình lao động, việc làm sẽ tiếp tục trên đà hồi phục, tiệm cận với quý 4.2019, lao động có việc làm tăng, thiếu việc làm giảm.
Bình luận (0)