(TNO) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện nay đều thua lỗ, trong năm 2012 đã có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh BĐS đăng ký giải thể, ngừng hoạt động.
>> Bộ Xây dựng đề xuất 6 giải pháp cứu thị trường BĐS
>> Phát triển nhà ở xã hội để vực dậy thị trường BĐS
>> Bộ trưởng cùng doanh nghiệp bàn cách giải cứu thị trường BĐS
>> Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi thị trường BĐS
>> Thị trường BĐS mùa cuối năm: “Đãi cát tìm vàng”
>> Nghị định 69 làm khó doanh nghiệp BĐS
Thông tin đáng chú ý trên vừa được Bộ này gửi tới phiên giải trình về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sáng nay, 24.1, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.
Số doanh nghiệp (DN) giải thể nói trên đã tăng 19,9% so với năm 2011.
Tính đến ngày 15.12.2011, đã có 389 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,8 tỉ USD, trong đó, đã có 85 dự án giải thể và 5 dự án hết hạn với tổng số vốn đầu tư 5 tỉ USD.
Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 23,32% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, đối tác nước ngoài lớn nhất là Singapore với 55 dự án, tổng vốn đầu tư là 8,6 tỉ USD; kế đến là Hàn Quốc với 79 dự án, tổng vốn đầu tư 6,7 tỉ USD.
Đáng chú ý là đa số vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS tập trung vào phân khúc BĐS cao cấp, song hiện đang có xu hướng bão hòa, giá đang ở mức cao, khó tìm đầu ra cho thị trường.
Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị nghiên cứu ban hành quy định để quản lý và hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài lách luật trong việc chuyển nhượng dự án thông qua việc chuyển nhượng DN. Đồng thời, ban hành các quy định để tăng cường quản lý đối với những dự án bất động sản mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị, thương hiệu, lợi thế công nghệ để xác định được đúng giá trị tài sản mà nhà đầu tư góp vốn.
Đặc biệt, sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bảo Cầm
Bình luận (0)