Hôm nay, 24.8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021 và đề xuất định hướng phát triển năm học 2021 - 2022 khối giáo dục đại học (ĐH).
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), năm học 2020 - 2021 là một năm đầy chật vật của toàn hệ thống do các trường phải tổ chức dạy học trong điều kiện đại dịch Covid-19 hoành hành.
Tuy nhiên, về cơ bản, hệ thống giáo dục ĐH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, cả về đào tạo và tuyển sinh. Những chính sách về tự chủ ĐH từng bước được triển khai tốt. Trình độ đào tạo của đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục ĐH còn có đóng góp đáng kể trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc.
Nhìn vào bức tranh tổng thể về tuyển sinh trình độ ĐH thì thấy năm qua đạt kết quả tốt nhất so với nhiều năm gần đây. Cả nước tuyển sinh mới được 412.961 sinh viên, đạt tỷ lệ xấp xỉ 90% so với tổng chỉ tiêu.
|
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu dữ liệu kết quả tuyển sinh của cả nước thì thấy, trong hệ thống vẫn còn nhiều cơ sở đào tạo (bao gồm cả trường cao đẳng đào ngành sư phạm, phân hiệu trường ĐH) chật vật trong tuyển sinh. Năm học 2020 - 2021, cả nước có 27 cơ sở có số sinh viên mới nhập học, chưa đạt 25% so với chỉ tiêu tuyển sinh; hơn 50 cơ sở khác tỷ lệ này chưa đến 50%.
Bức tranh quy mô sinh viên năm học 2020 - 2021 cũng cho thấy, giáo dục ĐH đang tồn tại xu hướng phát triển manh mún khi có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ. Cả nước hiện có tới 63% cơ sở đào tạo (trong tổng số 322 đơn vị) quy mô chưa đến 5.000 sinh viên. Khoảng 16% cơ sở có quy mô từ 5.000 đến 10.000 sinh viên. Số cơ sở có quy mô lớn (trên 20.000 sinh viên) chỉ chiếm khoảng 7%.
Được biết, những con số thống kê này sẽ là một căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT thực hiện việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH trong thời gian tới.
PGS Thủy cũng cảnh báo, ngay cả một số cơ sở đào tạo tuy tuyển sinh tốt nhưng lại chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (do thiếu nguồn lực). Nhiều cơ sở còn chậm đổi mới phương pháp dạy và học để khai thác thế mạnh của công nghệ.
Khảo sát 299 cơ sở giáo dục ĐH cho thấy có 117 cơ sở đào tạo chưa phát triển hạ tầng công nghệ, chưa ứng dụng nền tảng ứng dụng công nghệ để dạy và học, đồng nghĩa với chưa có hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập), LCMS (hệ thống quản lý nội dung học tập).
Bình luận (0)