Với số lượng 26 mỏ đào trong hệ thống Sky mining, số tiền điện có thể lên tới vài tỉ đồng.
Đặt mỏ ở nơi có trạm điện
Theo biên bản ghi nhớ lắp đặt mỏ đào 100 máy Sky mining tại tỉnh Đắk Lắk mà chúng tôi có được, ông M. đầu tư 100 máy đào tiền ảo (tương ứng 500.000 USD), sau 15 ngày kể từ ngày đủ doanh số 100 máy, Sky mining sẽ cho tiến hành thi công xưởng. Một số điều khoản trong biên bản ghi nhớ trong biên bản yêu cầu : ông M. phải có mặt bằng nhà xưởng và trạm điện có công suất ít nhất đủ cho 100 máy và các thiết bị khác (khoảng 400 kVA) với giá điện sản xuất. Trường hợp chưa có sẵn thì ông M. tự túc các chi phí hạ trạm, dựng nhà xưởng và xin điện sản xuất.
tin liên quan
Gần 900 tỉ đồng biến mất theo chủ mỏ đào?: 'Kịch bản' dựng sẵn!Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông M. vừa cười vừa nói: “Biên bản ghi nhớ vậy thôi chứ sau khi tìm hiểu tôi thấy rõ yếu tố lừa đảo nên không hợp tác mở xưởng với Lê Minh Tâm (Chủ nhiệm Hợp tác xã Bầu trời công nghệ - Sky mining)”. Ông M. cho hay, ông là hộ kinh doanh, có nhà xưởng thuận lợi với những điều kiện mà Sky mining đang tìm như có trạm biến áp điện, khu dân cư không quá đông… nên có ý định cho ông Tâm thuê đất làm xưởng. Thế nhưng ông Tâm đặt vấn đề với ông M. đầu tư nhà xưởng 200 máy, trong đó ông M. góp 100 máy, phía Sky mining sẽ góp 100 máy.
Ông M. cho biết: “Tôi không đồng ý đầu tư 100 máy thì phía ông Tâm chào tôi tham gia mua 1 - 2 máy (5.000 USD/máy) để thể hiện thiện chí. Tôi tìm hiểu mô hình Sky mining thì thấy là đa cấp và có dấu hiệu lừa đảo quá nên không đồng ý mua. Hai bên chỉ mới làm việc mà Sky mining đã dẫn những nhà đầu tư khác đến nhà tôi giới thiệu xưởng chuẩn bị mở để mời tham gia. Tôi thấy ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và gia đình quá nên từ chối hợp tác”.
Mỗi mỏ nợ hàng trăm triệu đồng tiền điện
Một yếu tố khác khiến hợp đồng cho thuê xưởng với Sky mining không thành, theo ông M. đó là tiền điện đối với mỏ đào tiền ảo rất cao. Một mỏ đào 400 máy, tiền điện 400 - 500 triệu đồng/tháng nên ông M. yêu cầu Sky mining 10 ngày thanh toán tiền điện 1 lần, nếu không sẽ ngắt điện. Sky mining không đồng ý với thỏa thuận này.
Ông M. khẳng định: “Tôi không hợp tác với Sky mining dưới bất cứ hình thức nào. Tôi không ngờ phía Sky mining lại dùng biên bản ghi nhớ (không có chữ ký của ông M.) để đi mời chào người khác tham gia mua máy đào tiền ảo”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi ông Tâm tuyên bố bỏ trốn, một mỏ đào đặt tại Thái Bình của Sky mining đang rơi vào tình trạng nợ tiền điện 300 triệu đồng, một mỏ đào tại Biên Hòa (Đồng Nai) nợ tiền điện 700 triệu đồng… Với hóa đơn tiền điện tháng 1 và 2 của mỏ Sky mining tại Củ Chi, mỗi tháng xưởng này ngốn từ 400 - 600 triệu đồng tiền điện. Như vậy, ngoài các nhà đầu tư tham gia mua máy đào tiền ảo, những người ký hợp đồng cho Sky mining đặt 26 xưởng cũng rơi vào cảnh nợ tiền điện hàng trăm triệu đồng khi ông Tâm bỏ trốn.
Những mỏ đào giống Sky mining
Sau khi Sky mining ra đời, thị trường xuất hiện thêm các mỏ đào phiên bản hoạt động giống Sky mining, đó là Asama mining và Eco mining, Hitech mining... Các mỏ này cũng đưa ra chính sách trả lãi 300% cho một máy đào 5.000 USD trong một chu kỳ đầu tư, hoa hồng môi giới theo hình thức đa cấp từ 1 - 3%, chương trình tặng xe… Theo chương trình của Eco mining, nhà đầu tư tham gia theo hình thức tự nguyện; cấp vốn theo mức ký gửi máy đào coin từ 500 USD đến 125.000 USD; lợi nhuận chia từ 0,3 - 1%/ngày, nếu tính lợi nhuận ngày và thu nhập hệ thống thì lợi nhuận từ 300 - 350% so với tổng số vốn bỏ ra mua máy ký gửi sau 1 chu kỳ. Hoa hồng giới thiệu người mới tham gia từ 6 - 10%. Khi hệ thống đặt 100 máy đào với 5.000 USD/máy, nhà đầu tư sẽ được hưởng 3% doanh số toàn hệ thống tính từ máy 101 trở đi… Số lượng máy mà Eco mining công bố đã lắp đặt khoảng 1.400 máy, tương ứng 7 triệu USD.
|
Bình luận (0)