Gần dân cho đúng cách

Hôm qua Thanh Niên đưa tin về những chiếc xe đạp tuần tra của Công an Hà Nội bị “đắp chiếu”, phủ bụi vì không còn được dùng đến. Số liệu cho biết có hơn 1.000 chiếc xe đạp đã trang bị cho công an thủ đô.

Hôm qua Thanh Niên đưa tin về những chiếc xe đạp tuần tra của Công an Hà Nội bị “đắp chiếu”, phủ bụi vì không còn được dùng đến. Số liệu cho biết có hơn 1.000 chiếc xe đạp đã trang bị cho công an thủ đô.

Mới đó thôi, ở thời điểm tháng 8.2015, chính những chiếc xe đạp sơn màu xanh sắc phục công an, in phù hiệu ngành được ngợi ca như một biểu tượng cho sự gần gũi và giản dị của người chiến sĩ công an thủ đô.
Chúng ta như đọc thấy một nỗ lực không gì có thể chê trách của công an thủ đô và ở nhiều địa phương khác nữa trong việc xây dựng hình ảnh đẹp và thân thiện trong lòng dân. Nhưng sao có thể tránh khỏi băn khoăn khi cách làm này dường như đã chứa sẵn nghịch lý duy ý chí ở một đô thị như Hà Nội.
Trước hết hãy nói về yêu cầu tác nghiệp của các chiến sĩ công an đi tuần tra trong môi trường giao thông đô thị phức tạp như Hà Nội. Phản ứng kịp thời trước nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật trên đường phố chắc chắn là một đòi hỏi đối với các chiến sĩ công an tuần tra. Họ phải di chuyển nhanh khi cần, chưa kể những lúc phải rượt đuổi đối tượng phạm pháp thì còn gấp gáp hơn. Xe đạp chắc chắn không thể đáp ứng yêu cầu này.
Thứ nữa là chuyện môi trường nắng nóng ở VN. Ứng phó với môi trường nắng nóng là một khía cạnh địa văn hóa rất đặc biệt của một đất nước nằm trọn trong vùng nhiệt đới như VN. Việc yêu cầu các chiến sĩ công an tuần tra sử dụng xe đạp để di chuyển trong suốt phiên làm việc của họ mà không tính đến ngưỡng chịu đựng của họ rõ ràng là một điều bất cập, có thể ảnh hưởng đến sức chiến đấu thực tế của lực lượng này khi đi tuần.
Trong thực tế ở những quốc gia mà cảnh sát cưỡi ngựa, cưỡi lạc đà, trượt patin... đều quan tâm đến yếu tố đầu tiên là tính hiệu quả đặc thù của những phương tiện này. Dùng ngựa là tận dụng lợi thế về chiều cao và tầm quan sát, khả năng di chuyển trong địa hình phức tạp, cưỡi lạc đà là vì phải tuần tra trên sa mạc... Tính hiệu quả của các phương tiện trong tác nghiệp mới là điều quan trọng chứ không phải là tính biểu tượng hay sự độc đáo của các phương tiện này.
Và thử nhìn thêm chút nữa vào mong đợi của người dân đối với lực lượng công an tuần tra để thấy bài học “gần dân” phải là bài học về giá trị của công việc phục vụ nhân dân chứ không phải là bắt chước vẻ hình thức theo một trào lưu nào đó, dù trào lưu đó có thể rất hiệu quả ở những nơi như phố cổ Hội An, hoặc ngoài bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang...
Người dân đương nhiên là luôn mong đợi một hình mẫu chiến sĩ công an gần gũi với dân, thật sự hết lòng, hết trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Nhưng là sự gần gũi đích thực trong lời ăn tiếng nói với dân, trong sự cảm thông chia sẻ với nỗi niềm và tâm tư của người dân, trong nghĩa cử hành hiệp che chở cho dân. Có được những giá trị đích thực ấy, thì dù người chiến sĩ công an có khoác trên mình bộ trang phục nào hay đi loại xe gì cũng vẫn sẽ là người của dân, ở trong lòng dân. Sự gần gũi với nhân dân không ở trên các phương tiện của các chiến sĩ công an tuần tra. Nó ở ngay trong công việc ích nước lợi dân mà họ thực hiện mỗi phiên đi tuần.
Những chiếc xe đạp tuần tra bị đắp chiếu có thể không phải là một sự lãng phí quá nhiều về tài sản. Nhưng gấp nhiều lần hơn thế chính là hoài phí sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.