Gắn 'dị vật' vào bảo vật quốc gia cột đá chùa Dạm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/05/2022 07:21 GMT+7

Một 'dị vật' bàn thờ đã được gắn chết cứng bằng xi măng vào bảo vật quốc gia cột đá chùa Dạm.

Bảo vật mỹ thuật bị xâm phạm

PGS-TS Trang Thanh Hiền cứ ngỡ mình đã nhìn nhầm khi tới chùa Dạm, Bắc Ninh vào ngày 28.4. Tại đó, bảo vật quốc gia cột đá chùa Dạm đã bị gắn thêm một bàn thờ rất mới. Xung quanh cột đá có những cột inox và xích để bảo vệ. Tuy nhiên, những hàng cột inox này vẫn mở một lối vào và ở đó một bàn thờ đá đã được gắn vào bệ đá bảo vệ quốc gia. “Đầu tiên nhìn xa tưởng đặt gá vào thôi, nhưng khi lại gần thì thấy rõ là gắn xi măng vào. Không biết ai đã làm nữa”, PGS-TS Trang Thanh Hiền, ĐH Mỹ thuật VN, chia sẻ.

Cận cảnh bàn thờ với hiện vật voi đá, ngựa đá

Là một bảo vật mỹ thuật, cột đá chùa Dạm được công nhận bảo vật quốc gia ngay từ đợt xét tặng danh hiệu đầu tiên năm 2011. Cột đá liền khối cao trên 4 m, đặt trên bệ đá hai cấp cao gần 1 m. Trên phần trụ tròn chạm nổi đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời. Thân rồng uốn lượn như đang bay. Giờ đây bàn thờ “dị vật” đã được gắn vào bệ đá hai cấp. Nhiều đồ thờ được đặt tựa luôn vào phần cột đá.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, sững sờ khi nhìn thấy những hình ảnh về cột đá và bàn thờ. Ông cho rằng, với việc đổ xi măng gắn bàn thờ như vậy, bảo vật đã bị xâm hại. “Bảo vật quốc gia có một không hai này đã bị xâm phạm nghiêm trọng tính nguyên gốc, tính xác thực. Việc xâm hại cũng làm méo mó nghiêm trọng ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa biểu trưng thiêng liêng của quốc gia Đại Việt nghìn năm nay!”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, cột đá chạm rồng nổi trên nền sóng nước là một hình tượng trọn vẹn của tài năng nghệ thuật Đại Việt thời Lý. Nó là hiện vật tiêu biểu cho tinh thần dân tộc, ý chí vươn lên mạnh mẽ, phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa vật chất cũng như tinh thần của Đại Việt. “Do vậy những việc làm dù có ý thức hay vô thức như đã diễn ra thật đau lòng. Nó cũng rung tiếp những hồi chuông cảnh báo khẩn thiết tới các cơ quan có trách nhiệm về vấn đề bảo vệ bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, ông Tín nói.

Bàn thờ mới gắn chết bằng xi măng vào cột đá chùa Dạm

Trang Hiền

Sai lệch di vật, di tích

Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, xác nhận với Thanh Niên hiện trạng bệ đá bảo vật đã bị gắn xi măng. Ông Mạo cũng cho hay, thời điểm liên lạc với địa phương, phường cũng chưa hề biết về vụ việc này. “Hỏi phường thì phường cũng không biết. Việc gắn bàn thờ do các cụ ở làng tự làm. Các cụ kê mấy phiến đá lên. Tôi vừa làm việc với phường và yêu cầu tháo gỡ. Tôi cũng yêu cầu Phó giám đốc Ban quản lý xuống trực tiếp và cùng phường tháo gỡ chứ không để các cụ làm. Sở VH-TT-DL và chúng tôi sẽ xử lý ngay”, ông Mạo nói.

Hiện tượng gắn thêm bàn thờ cho cột đá chùa Dạm cùng lúc gây ra 2 vi phạm. Thứ nhất, nó xâm hại bảo vật quốc gia cột đá chùa Dạm. Thứ hai, nó cũng xâm hại di tích quốc gia đặc biệt chùa Dạm. Việc làm tùy tiện này khiến hiện vật và di tích cùng bị sai lạc so với yếu tố gốc. Chưa kể, việc tháo dỡ nếu không làm cẩn thận sẽ còn tiếp tục gây tổn thương cho bảo vật quốc gia.

Cột đá chùa Dạm sau khi gỡ bỏ bàn thờ. Ông Nguyễn Hữu Mạo cho biết việc gỡ bỏ bàn thờ vừa được thực hiện xong chiều 1.5. Biên bản ông Mạo gửi cho thấy bàn thờ được hạ giải vào 15 giờ, sau khi hạ giải không ảnh hưởng đến hiện vật.

Ông Nguyễn Hữu Mạo cung cấp

Vi phạm này được nêu rõ trong khoản 1 điều 4 Nghị định 98/2010 hướng dẫn thi hành luật Di sản văn hóa. Theo đó, có quy định về hành vi làm sai lệch di tích là việc làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích…

Ông Mạo cũng cho biết vụ việc xâm hại xảy ra khi Sở VH-TT-DL Bắc Ninh và Ban quản lý đang lên kế hoạch bảo tồn bảo vật quốc gia này. “Vừa rồi Bộ VH-TT-DL ra văn bản về việc bảo quản các bảo vật ở di tích. Giám đốc Sở cũng nhất trí triển khai. Chúng tôi đang nhờ đơn vị tư vấn về khảo sát là Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Công ty Mỹ thuật T.Ư lên phương án bảo tồn thế nào…”, ông Mạo nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.