Gần hai thế kỷ, 'Nàng tiên cá' vẫn gây thổn thức

Thế Sang
Thế Sang
14/05/2023 07:39 GMT+7

Truyện cổ tích Nàng tiên cá của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen ra đời cách nay đã gần hai thế kỷ, nhưng vẫn liên tục được dịch ra nhiều thứ tiếng khắp thế giới và được các nhà làm phim miệt mài làm mới trên màn ảnh.

'

Câu chuyện xúc động về sự hy sinh trong tình yêu của nàng tiên cá, dù là kết thúc đen tối hay có hậu tùy theo các dị bản, đều chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa nhân văn.

Bản phim The Little Mermaid (Nàng tiên cá) mới nhất do Walt Disney sản xuất dự kiến chiếu ngày 26.5 truyền tải nhiều thông điệp hiện đại, mới mẻ về nhân vật này.

Gần hai thế kỷ, Nàng tiên cá vẫn gây thổn thức - Ảnh 1.

Bản phim 'Nàng tiên cá' người đóng 2023

Walt Disney là studio đầu tiên ở Hollywood mang Nàng tiên cá lên màn ảnh rộng trong bản phim hoạt hình mang tên The Little Mermaid chiếu năm 1989 và tạo được tiếng vang cho hãng. Phim do John Musker và Ron Clements chỉ đạo; phần nhạc phim do Alan Menken và Howard Ashman soạn. Phim thắng 2 giải Oscar ở các hạng mục Nhạc phim hay nhất và Bài hát trong phim hay nhất. Tại phòng vé, phim cũng đạt doanh thu tốt khi thu về tổng số tiền vé là 211,3 triệu USD toàn cầu. Điều đáng nói hơn cả là ở bản phim hoạt hình này, các nhà làm phim đã mang đến câu chuyện có hậu: nàng tiên cá Ariel thành đôi với hoàng tử Eric chứ không phải chịu cảnh quăng mình xuống biển và tan thành bọt như trong truyện gốc.

Sau khi chiếu năm 1989, Nàng tiên cá trở thành thương hiệu kiếm tiền cho Disney. Vào các năm 2000 và 2008, Disney tiếp tục cho ra mắt các bản phim The Little Mermaid II: Return to the SeaThe Little Mermaid: Ariel's Beginning nhằm mở rộng tối đa tuyến truyện về thế giới dưới đại dương cũng như cuộc đời của Ariel nhưng cả 2 tác phẩm này đều bị chê về chất lượng và không thoát khỏi cái bóng quá lớn của phần phim đầu. Trước đó, vào năm 1992, Disney phát hành loạt phim truyền hình cùng tên kể về những sự kiện diễn ra trước phần phim gốc.

Không rời đại dương chỉ vì một chàng trai

Khi việc làm lại phim hoạt hình vẽ tay năm xưa thành phim người đóng (live-action) tạo được hiệu ứng tốt, nhất là sau những phim tỉ đô như Beauty and the Beast (2017), The Lion King (2019) hay Aladdin (2019), Disney thừa thắng xông lên, làm mới The Little Mermaid.

Ở bản phim mới nhất, một lần nữa, hình tượng nhân vật Ariel được làm mới. Bản phim này do Rob Marshall chỉ đạo, Alan Menken tiếp tục quay lại đảm nhận phần nhạc và vai Ariel do nữ diễn viên da màu Halle Bailey đảm nhận. Điều này đã khiến người hâm mộ bất ngờ và một số khán giả đã có những bình luận ác ý. Đạo diễn khẳng định lý do Halle Bailey được chọn vào vai nàng tiên cá vì bản thân cô đã chứng minh được thực lực diễn xuất cũng như giọng ca khỏe khoắn trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ.

Hành trình mà Bailey cố gắng chạm tới đỉnh vinh quang gặp gỡ với hành trình sống hết mình của Ariel. Trên The Pink News, Halle Bailey chia sẻ về vai diễn: "Tôi thực sự bất ngờ vì ở bản phim này các nhà làm phim đã thay đổi điểm nhìn về nàng tiên cá, cô không chỉ muốn rời đại đương chỉ vì một chàng trai, mà vì điều lớn lao hơn thế: vì cô ấy, vì mục đích và tự do của cô, vì cuộc đời mà cô muốn".

Sau suất chiếu sớm đặc biệt mà đạo diễn Rob Marshall và bạn đời đồng giới John DeLuca chiếu riêng cho bạn bè thân hữu, trong đó có những diễn viên như cặp vợ chồng Emily Blunt - John Krasinski hay tài tử Matt Damon, những nghệ sĩ này đã dành nhiều lời khen cho tác phẩm và cho rằng diễn xuất của Halle Bailey là "gây kinh ngạc". Tuy vậy phim vẫn bị cho rằng chưa thoát khỏi cái bóng của bản phim hoạt hình năm xưa, dù phần kỹ xảo, âm nhạc, hiệu ứng… đã được đầu tư hơn rất nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.