Gần hết học kỳ 1, cậu học trò vỡ òa vì sắp được nhìn thấy cô giáo

24/11/2021 06:00 GMT+7

“Con chưa bao giờ nhìn thấy cô Vân với mấy bạn của con, ngày mai con được thấy rồi!”, cậu học trò Nguyễn Phúc Vinh, Trường tiểu học Trần Nhân Tôn (H.Bình Chánh, TP.HCM) háo hức chia sẻ.

Niềm vui vỡ òa của cậu học trò tên Vinh khi nhận được máy tính để học trực tuyến khiến ai nghe cũng cay cay khóe mắt, nghẹn lòng. Sinh ra đã không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa, tới khi dịch bùng phát và phải học trực tuyến, Vinh và nhiều học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn khác càng thiệt thòi hơn. Các em không có máy để học trực tuyến, ba mẹ lại không biết hết mặt chữ để dạy con…

Cậu học trò Phúc Vinh ôm chầm lấy ba, vui mừng từ mai sẽ được thấy cô giáo và bạn bè

ĐÀO NGỌC THẠCH

Những câu chuyện đầy thương cảm ấy chúng tôi đã được gặp, được nghe và chứng kiến trong chương trình Cùng em học trực tuyến - Trao thiết bị hỗ trợ học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức tại H.Bình Chánh, TP.HCM sáng 23.11.

Nỗi lòng của cha mẹ không biết chữ

Năm học 2021 - 2022 đã gần đi hết học kỳ 1 nhưng Nguyễn Phúc Vinh chưa được học trực tuyến với cô giáo và bạn bè của mình một ngày nào. Hằng ngày, trước khi ra khỏi nhà để đi làm công nhân dọn dẹp vệ sinh, anh Nguyễn Minh Trí (ba Vinh) dặn con trai học bài theo tài liệu hướng dẫn của cô giáo gửi.

Vinh chia sẻ: “Con tự làm bài, học bài theo lời dặn của ba, những bài con không làm được, không viết được thì phải nhờ người lớn chỉ”. Thế nhưng anh Trí cho biết: “Tôi không biết chữ nên có biết dạy con thế nào đâu, chỉ biết dặn con học theo hướng dẫn của cô gửi. Cái điện thoại cục gạch này chỉ nghe và gọi nên con chưa được học ngày nào cùng các bạn. Giờ có máy chương trình tặng, mừng lắm cô ơi, ngày mai con được học như bạn bè rồi”.

Gương mặt em Phan Trần Thanh Sơn, HS Trường tiểu học Nguyễn Văn Tuân rất sáng sủa và nhanh nhẹn, nhưng chị Trần Thị Thu Hiền (31 tuổi, mẹ của Sơn) cho biết năm vừa rồi cậu đã phải ở lại lớp 1.

Chị Hiền bộc bạch: “Mình đâu có biết nhiều chữ đâu, trước vì nhà quá nghèo chỉ học được đến lớp 4, sau đó phải đi làm kiếm sống nên chữ cũng quên hết. Giờ ráng nhớ được chữ nào thì dạy con chữ đó thôi”.

Chị Trần Thị Thu Hiền hạnh phúc trào nước mắt khi vơi được nỗi dằn vặt vì chưa thể lo cho con học trực tuyến

Đào ngọc thạch

Cố nén những giọt nước mắt đang chực trào, chị Hiền cho biết một mình vừa làm thuê để nuôi con vừa lo cho cha già yếu nên chị đi làm suốt ngày: “Đã không biết nhiều chữ, lại đi làm suốt nên không dạy được con học, vì thế mà thằng bé học chậm hơn bạn bè và phải ở lại lớp. Năm nay không được đến trường mà phải học trực tuyến, nhà thì không có điện thoại để học nên mình lo quá chừng”.

Vì thế, khi được nhận máy tính bảng để con học trực tuyến, chị Hiền đã trút được nỗi lo dằn vặt bao đêm.

Trao cơ hội, gửi gắm niềm tin vào các em

Phát biểu tại lễ trao tặng thiết bị hỗ trợ học tập, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên, cho biết món quà hôm nay trao cho HS là sự cố gắng của Báo Thanh Niên và đơn vị đồng hành với mong muốn giúp các em tiếp tục việc học trong một hoàn cảnh đặc biệt nhất từ trước đến nay.

nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh

“Món quà hôm nay sẽ tạo điều kiện cho các em có cơ hội tiếp cận với công nghệ, với hình thức học tập trực tuyến một cách hiệu quả trong trạng thái dù ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, nhà báo Lâm Hiếu Dũng chia sẻ và gửi gắm nhiều hy vọng vào những nỗ lực của các em HS trong thời gian tới để đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng Giáo dục H.Bình Chánh, gửi lời cảm ơn chân thành đến ban tổ chức đã thực hiện chương trình ý nghĩa này cho học trò của mình. Bên cạnh đó, bà Châu gửi gắm đến HS: “Mong học trò nỗ lực học tập thật tốt và phụ huynh hỗ trợ để các con sớm bắt nhịp với việc học trực tuyến, vì thời gian qua các con đã chịu thiệt thòi, chậm một nhịp so với các bạn”.

Đại diện FPT Shop, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc trải nghiệm khách hàng và marketing, cũng đặt nhiều niềm tin: “Với món quà này, mong rằng HS có ý thức vươn lên trong học tập, có ý thức phấn đấu để trở thành người có ích. Và có thể hơn thế nữa, sau này mỗi em sẽ trở thành nhà tài trợ cho những hoàn cảnh khó khăn như mình ngày hôm nay”.

Trực tiếp dẫn học trò của mình đến nhận thiết bị hỗ trợ học tập, thầy Đặng Văn Út, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, cho biết thời gian qua nhà trường cũng đã rất nỗ lực vận động và hỗ trợ để HS có thiết bị học trực tuyến. Nhưng thầy Út cũng tâm tư: “Các em học trực tuyến vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước thì nhiều em không có thiết bị để học, nay thì nhiều em cũng còn khó khăn khi mạng thường bị trục trặc, hay nhiều em nhà ở địa phận tỉnh Long An thì cứ thứ bảy, chủ nhật là lại bị cắt điện, khiến việc học bị gián đoạn…”.

Tiếp tục trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh

Ảnh

Ngoài 25 máy tính bảng trao tại H.Bình Chánh ngày 23.11, trước đó chương trình “Cùng em học trực tuyến” do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và FPT Shop tổ chức cũng đã trao tặng 24 máy tính bảng ở Q.Tân Bình (ngày 16.11) và 25 máy tại Q.Bình Tân (ngày 17.11). Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục trao thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại H.Cần Giờ (TP.HCM). Tổng giá trị trong đợt trao này hơn 400 triệu đồng. Trong ảnh là ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc trải nghiệm khách hàng và marketing FPT Shop, trao máy tính bảng cho HS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.