Liên quan việc ghi nhận ca mắc trong cộng đồng là bệnh nhân (BN) 1347 do lây nhiễm từ người đang trong thời gian cách ly y tế (BN 1342), một chuyên gia dịch tễ của Bộ Y tế cho hay: “Theo quy định, tiếp viên hàng không về Việt Nam cần được cách ly y tế ngay sau nhập cảnh, lấy máu xét nghiệm liên tiếp 2 lần cách nhau 72 giờ, nếu 2 lần đều âm tính, được cách ly tại nhà và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 3 khi được 14 ngày. Như vậy, quy trình áp dụng với BN 1342 là đúng”.
Theo chuyên gia, khi cách ly tại nhà, việc tuân thủ của cá nhân là rất quan trọng. Cán bộ y tế trên địa bàn có trách nhiệm giám sát người cách ly không ra khỏi nơi cách ly cũng như hỗ trợ người được cách ly trong các tình huống sức khỏe c ần thiết như: sốt, ho...
“Ngoài việc không ra khỏi nhà khi đang tự cách ly y tế, cá nhân được cách ly cần hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình. Nếu tiếp xúc phải giữ khoảng cách 2 m. Do đó, việc lây nhiễm Covid-19 từ BN 1342 sang BN 1347 cần xem xét thêm về việc tuân thủ các quy định về khi tự cách ly”, chuyên gia này lưu ý.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: “Các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận gần đây, nên nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực, đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc tuân thủ các quy định về cách ly y tế, giám sát thực hiện cách ly”.
Theo ông Long, chuyến bay nhập cảnh nào cũng có ca nhiễm Covid-19. Cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước sự việc nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh; thực hiện biện pháp cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp này. Yêu cầu Sở Y tế TP.HCM thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm BN có mặt: nơi dạy học, quán cà phê, quán karaoke cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất; phong tỏa tạm thời các địa điểm mà BN đã đến và thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng. Tất cả nhân viên phục vụ tại các địa điểm cung cấp dịch vụ cho BN (như: quán cà phê, karaoke...) đều phải lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại nhà.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM cần nâng cao mức cảnh giác, tăng cường các biện pháp sàng lọc với tất cả trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế theo quy định.
Bộ Y tế, cơ quan thường trực BCĐ đã yêu cầu VNA tuân thủ quy định về cách ly tại các cơ sở mà VNA đã đăng ký. UBND TP.HCM và TP.Hà Nội, nơi có địa điểm VNA đăng ký cách ly, cần kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly. Đề nghị chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở, tuân thủ chặt chẽ việc giám sát, theo dõi các ca cách ly tại nhà. Bộ Y tế cũng đã ra công điện khẩn gửi các bộ: Quốc phòng, Công an, GTVT và Ngoại giao; UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới đang có diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)