Thỏa thuận vừa đạt được giữa Ả Rập Xê Út, Nga, Qatar và Venezuela về ổn định giá dầu có ý nghĩa tích cực về chính trị lẫn tâm lý nhưng chưa mang lại hiệu ứng mong đợi trên thị trường.
Hiện trên thị trường dầu thế giới, cung vẫn bỏ xa cầu và giá dầu đang tiếp tục giảm - Ảnh minh họa: AFP |
Nó tích cực trên 2 phương diện. Thứ nhất, đây là thỏa thuận giữa những nước là thành viên lẫn không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và bao gồm những quốc gia thuộc diện xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Thứ hai, sau thời gian khá dài không phối hợp hành động để ngăn chặn đà trượt dốc của giá dầu, những nước này đã bắt đầu tính đến phải cùng bắt tay để giá dầu không tiếp tục giảm nữa. Càng đáng chú ý là Nga và Ả Rập Xê Út tìm được tiếng nói chung khi họ đứng ở 2 chiến tuyến đối đầu ở Syria và trong quan hệ với Iran.
Tuy nhiên, nếu chỉ quyết định không tăng mức độ khai thác dầu hằng ngày như vừa thỏa thuận chứ không giảm bớt khối lượng thì chưa thể xoay chuyển được tình hình bởi hiện trên thị trường dầu thế giới cung vẫn bỏ xa cầu.
Kỳ vọng của bộ tứ nói trên chỉ thành sự thật khi tất cả những nước xuất khẩu dầu khác cũng hành động như họ. Khả năng này hiện tại gần như không.
Các thành viên OPEC vẫn đường ai nấy đi trong thời gian qua. Iran vừa bắt đầu tham gia bình thường trở lại vào hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu sau thời gian dài bị bao vây, cấm vận. Mỹ đã vươn lên trở thành quốc gia khai thác dầu thuộc diện hàng đầu thế giới bằng phương cách truyền thống lẫn công nghệ mới.
Gắng gượng của 4 nước với thỏa thuận nói trên thật thức thời và đáng khích lệ nhưng khó thành công vì khó thuyết phục được các đối tác khác cùng theo.
Bình luận (0)