Gánh chè 25 năm 'không một tiếng nói nào' của cụ bà U.70 giữa lòng Sài Gòn

Cảnh An
Cảnh An
15/01/2021 13:07 GMT+7

Khách ghé mua chè đưa ngón tay làm dấu, người bán cũng giơ ngón tay ra hiệu. Đó là cách bà Nguyễn Thu Hường (64 tuổi, ngụ Q.4) mưu sinh mỗi ngày bằng gánh chè ven đường của mình.

Người bán chè “trầm lặng”

Suốt 25 năm qua, bà Hường gánh chè rong ruổi khắp Q.4, sau này công an Q.4 đã hỗ trợ bà 1 chiếc xe đẩy để bà đi bán hàng cho đỡ vất vả. Về sau vì tuổi cao sức yếu, bà về bên góc đường 41 (P.8, Q.4) và đứng bán chè.
Cứ mỗi chiều, bà Hường lại đẩy chiếc xe bán chè của mình một cách nặng nề ra góc đường 41 đứng bán. Dáng vẻ gầy guộc, nhỏ bé của bà bên cạnh chiếc xe chè đã trở nên quen thuộc với người dân xung quanh.

Khách đến mua chè của bà thường phải làm dấu, ra hiệu bởi bà không thể nói được nhiều.

ẢNH: CẢNH AN

Bà chỉ bán mỗi chè đậu đen, 2 loại nóng và đá nhưng rất đông khách. Khách đến mua một phần vì hương vị ngọt, đậm đà trong mỗi ly che, một phần muốn ủng hộ bà cụ đang vất vả mưu sinh nuôi gia đình. Chồng bà bị viêm phổi nhiều năm nay, chạy xe ôm kiếm sống. Bà còn nuôi thêm đứa cháu nội đang học lớp 11, vì ba mẹ của cháu đã ly dị nhiều năm.
Bà bán từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối. Hôm nào hết sớm thì bà về sớm, còn có hôm bán không hết bà bán đến 9 giờ. Ngày nắng cũng như mưa, cứ chiều là bà lại đẩy xe đi bán, chỉ hôm nào đau, mệt thì mới không đi.
Gánh chè 25 năm của cụ bà ‘không nói’ giữa lòng Sài Gòn

Một người vì thương hoàn cảnh cùa bà nên đã in giấy treo trên xe bán chè đến khách đến mua hiểu.

ẢNH: CẢNH AN

Mỗi ly chè có giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng, mỗi ngày bà bán cũng được 300.000, vừa đủ trả tiền thuê nhà và lo cho gia đình. Bà tâm sự nhiều khi cũng được người khác giúp đỡ, họ mua chè xong cho thêm tiền, nên bà cũng đỡ khó khăn.
Bà Hường bị dây thanh quản nặng đã 8 năm nên nói chuyện rất khó khăn, mỗi lần phải nói nhiều bà phải ngồi thở dốc vì mệt. Chính vì vậy nhiều người đã ủng hộ bà bằng cách in một tờ giấy treo trên xe để khách đến mua biết được bà không thể nói nhiều. Do đó khách đến mua đa số chỉ giơ tay ra hiệu muốn mua mấy ly, mua loại nào mà thôi.
Trong một lần khiêng nồi chè to và nặng, bà bị ngã và gãy 1 bên tay. Từ đó cánh tay này bị tật, khiến bà làm việc thêm phần khó khăn, vất vả.
Tuy vậy bà vẫn cần mẫn làm mỗi ngày, hầu như không có ngày nào nghỉ. Giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, một bà cụ nhỏ bé, tay bị tật múc từng muỗng chè bán cho khách khiến nhiều người đi qua không khỏi xúc động.
Gánh chè 25 năm của cụ bà ‘không nói’ giữa lòng Sài Gòn

Chiếc xe chè đậu đen của bà đã trở nên quen thuộc với người dân Q.4.

ẢNH: CẢNH AN

Người giữ hương vị tuổi thơ

Món chè đậu đen giản dị là ký ức tuổi thơ của nhiều người. Người ta tìm đến gánh chè của bà Hường cũng là một cách tìm về với ký ức của thức ăn vặt giản dị giữa cuộc sống mưu sinh tấp nập.
Ông Trần Văn Chánh (62 tuổi, ngụ Q.7) là khách hàng lâu năm của bà Hường. Ông ăn chè của bà từ ngày bà còn gánh hàng bán khắp Q.4. Cứ chiều đi ngang qua đường 41, ông lại ghé vào xe chè quen thuộc, đưa tiền cho bà rồi tự múc chè ngồi ăn, xong lại tiếp tục đi làm.
Ông Chánh chia sẻ: “Chè của bả hạt đậu nó mềm, khi ăn vào hạt đậu như tan vào trong miệng. Nước chè cũng ngọt vừa phải, vị ngọt thanh chứ không phải vị của đường hóa học nên tôi ăn mê lắm. Chiều nào cũng ghé làm 1 ly cho mát. Hôm nào bả không đi bán cứ thấy thiếu thiếu”.
Anh Nguyễn Huy Hùng (21 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) chia sẻ chiều nào đi làm về anh cũng ghé mua chè ủng hộ bà. “Tôi biết bà không nói được nên chỉ đưa ngón tay ra làm dấu. Muốn chè nóng thì tôi chỉ vào nồi chè, muốn chè đá thì tôi chỉ vào thùng đá rồi đưa ngón tay khi muốn mua mấy ly. Chè của bà vừa ngon lại vừa rẻ, nên tôi cũng hay mua nhiều để ủng hộ bà thêm”, anh Hùng cho biết.
Gánh chè 25 năm của cụ bà ‘không nói’ giữa lòng Sài Gòn

Bà Ngô Thị Tuyết Mai (63 tuổi), thành viên một nhóm từ thiện thường xuyên đến tặng quà cho bà.

ẢNH: CẢNH AN

Xe chè của bà đã trở nên quen thuộc với những người dân xung quanh. Thấy bà bị tật ở tay, nói chuyện thì khó khăn, nhiều người cũng hay qua giúp đỡ, phụ bà những việc nặng, đôi khi phụ bán luôn.
Anh Trần Khôi (24 tuổi) sống ở nhà bên cạnh xe chè của bà vẫn thường xuyên ra phụ bà khiêng nồi chè, thùng đá lớn. Anh kể trước đây gia đình anh bán đá cho bà, về sau thấy bà đẩy xe đi vất vả nên nói bà về trước nhà anh đứng bán.
“Ba tôi kêu bà về đây bán chứ thấy bà sức khỏe ngày càng yếu, đi nắng vậy vất vả quá. Bà còn phải nuôi cháu với chồng đau yếu nữa, mới mấy ngày trước bà còn bị ngã phải nghỉ bán mấy hôm nữa. Chiều rảnh là tôi đứng bán phụ bà luôn, tại bà nói không được, nhiều khi bán cũng bất tiện”, anh Khôi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.